CNN mới đây đã công bố một video, được cho là chứng cứ từ các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy một người đàn ông Ả Rập, được xác nhận có tên là Mustafa al-Madani, đã rời khỏi lãnh sự quán Saudi tại Istanbul chiều 2/10 trong bộ quần áo và kính mắt của ông Jamal Khashoggi.
Đoạn clip đắt giá này rõ ràng cho thấy một nỗ lực lên kế hoạch của phía Saudi khi đã cố gắng đánh lừa mọi người rằng ông Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán nước này vào chiều mà ông được cho là biến mất.
Bên trái là hình ảnh ông Khashoggi đi vào lãnh sự quán và bên phải là người đàn ông cải trang nhà báo rời khỏi hiện trường. |
Các quan chức Ả Rập ngay lập tức khẳng đinh rằng hành động gian dối này không chỉ nhằm đánh lừa các camera an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn là để "qua mắt" Thái tử Mohammed bin Salman (MBS).
"Họ đã phạm sai lầm khi họ giết Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán, vì vậy họ phải cố gắng che đậy nó", Ngoại trưởng Saudi Adel Al-Jubeir nói với Foxnews.
Các quan chức Saudi giải thích rằng Thái tử MBS muốn kêu gọi các nhà phê bình chính phủ trở về nước, bao gồm cả cây bút Jamal Khashoggi. Vì vậy, một nhóm 15 đặc vụ Saudi đã bay tới Istanbul để thực hiện nhiệm vụ đó chứ không phải là để giết người.
"Đây là một hành động giả mạo...là hành động vượt quá trách nhiệm và quyền hạn mà họ đã được giao", PBS dẫn lời một quan chức Ả Rập.
Các quan chức Ả Rập nói thêm rằng chính Thái tử MBS cũng "bị lừa" bởi thuộc hạ của ông, bao gồm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Ahmed al-Assiri, cố vấn tòa án hoàng gia Saud al-Qahtani, và viên chức an ninh Maher Mutreb - người đã bị chụp ảnh bên ngoài lãnh sự quán Istanbul trước và sau vụ ám sát Khashoggi và cũng là người trong đoàn tùy tùng MBS trong một sự kiện đầu năm nay.
Thái tử Mohammed bin Salman đang được quan chức Ả Rập liên tục chứng minh "trong sạch" trong vụ khủng hoảng Khashoggi. |
Ông Al-Jubeir nhấn mạnh rằng tất cả những điều đó không có mối liên hệ nào với Thái tử MBS, rằng "không có ai trong số những người đã tham gia vào chiến dịch này có quan hệ với Thái tử" và "hình ảnh của một số nhân viên an ninh có thể là một phần của đội mật vụ đi theo Thái tử...là điều hoàn toàn bình thường".
Những lý giải này dường như không làm cộng đồng quốc tế thỏa mãn, bao gồm cả đồng minh Mỹ. Chủ tịch quan hệ đối ngoại Thượng viện Bob Corker phát biểu trên CNN rằng ông không nghĩ có ai tin vào câu chuyện này, trong khi Tổng thống Donald Trump hôm 22/10 thì tuyên bố: "Tôi không hài lòng với những gì đã được nghe".
Nhiều quốc gia cũng đã bắt đầu có những phản ứng cứng rắn đối với Riyadh mà đáng chú ý là Đức khi Thủ tướng Angela Merkel mới đây đã kêu gọi đình chỉ việc bán vũ khí cho Saudi.