Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

A.Riedl lại về nhì

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - AFF Cup 2016 đã khép lại với chức vô địch lần thứ 6 cho bóng đá Thái Lan. Sự thống trị của Thái Lan khiến giới chuyên môn tự hỏi: Nhà vô địch AFF đang ở đẳng cấp khác, hay phần còn lại của khu vực đang có vấn đề?

Đẳng cấp của người Thái

Trước trận chung kết lượt về, rất nhiều người đã nghĩ đến chức vô địch lần đầu tiên cho bóng đá Indonesia và cũng là lần đầu tiên cho HLV A.Riedl. Với riêng những người yêu bóng đá Việt Nam, Indonesia vô địch sẽ dễ chịu hơn cảnh nhìn người Thái đăng quang. Hơn thế nữa, HLV A.Riedl là người có mối ân tình với bóng đá Việt Nam nên nhiều người muốn ông lần đầu tiên có cơ hội được nâng cao cúp vô địch sau 21 năm gắn bó với bóng đá Đông Nam Á.

Ngoài vấn đề về tình cảm, người ta tin vào chức vô địch dành cho Indonesia bởi đội bóng này đã thắng 2 - 1 ở lượt đi. Chỉ cần chơi tử thủ để thực hiện màn phản công như đã từng làm với đội tuyển Việt Nam là Indonesia có cơ hội hoàn thành giấc mộng lớn của mình...
 

Nhưng, đội tuyển Thái Lan không phải là đội tuyển Việt Nam. Họ không chơi thứ bóng đá bế tắc. Dù chịu áp lực về tỷ số ở lượt đi nhưng họ lại rất biết cách nhập cuộc với sự tỉnh táo cao độ. Và điều gì cần làm, họ cũng đã thực hiện thành công. Thái Lan ghi được bàn thắng vào lưới Indonesia. Mặc dù chỉ cần thắng với tỷ số 1 - 0 là có thể vô địch, nhưng người Thái chưa chịu dừng lại. Họ tiếp tục ào lên tấn công để ghi thêm bàn thắng nhằm đánh sập tinh thần đối phương. Và khi Thái Lan có được bàn thắng thứ hai, thế trận đã an bài.

Lần thứ hai liên tiếp bước lên ngôi vô địch AFF Cup với sự vượt trội về chiến thuật và năng lực chơi bóng, Thái Lan đang được cho là ở đẳng cấp khác so với các đội bóng còn lại. Trong bối cảnh hiện tại, hiếm có đội bóng nào có thể đánh bại Thái Lan.

Quan trọng là lối chơi

Vũ khí tinh thần là thứ mà bất cứ đội bóng nào cũng cần, thậm chí là một phần sức mạnh. Nhưng, đã bước vào thời điểm quyết định thì đội bóng nào cũng lên dây cót tinh thần, và yếu tố tạo ra sự khác biệt chính là chuyên môn. Vậy nên, các đội bóng dù nuôi tham vọng lớn thì không thể vô địch bằng lòng quyết tâm. Nghiệt một nỗi, những ứng viên hàng đầu như Indonesia, Việt Nam lại quá lệ thuộc vào thứ vũ khí mang tên tinh thần.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc bóng đá Thái Lan ở một vị thế khác một phần là do các nền bóng đá trong khu vực không nhận thức đúng về vấn đề. Thay vì nhìn thẳng vào vấn đề chuyên môn, chiến lược của nền bóng đá thì họ chỉ quan tâm đến phần ngọn. Nó cũng giống như việc HLV A.Riedl chưa một lần bước lên ngôi vô địch dù đã có nhiều lần bước đến trận chung kết cùng đội tuyển Việt Nam và Indonesia. Vấn đề ở đây không phải là ông A.Riedl quá đen, mà các đối thủ mà nhà cầm quân này đối diện quá mạnh.

Trở lại với vấn đề của đội tuyển Việt Nam. Nguyên nhân cốt lõi khiến đội tuyển thua không chỉ đến từ những sai sót cá nhân. Nó là hệ quả của cả một nền bóng đá vốn dung túng cho cái xấu, cho bạo lực sân cỏ. Một khi các trọng tài, các đội bóng tiếp tục dung túng, hoặc cổ vũ bóng đá bạo lực thì các cầu thủ sẽ mãi đi vào vết xe đổ của AFF Cup 2016. Và thêm nữa, nếu đội tuyển vẫn được dẫn dắt bởi một HLV chỉ biết nhận lỗi suông, đá bóng trách nhiệm sang học trò thì mãi mãi không thể có được một lối chơi mang tính bản sắc. Khi ấy, đừng nói Thái Lan mạnh mà chúng ta đã tự triệt tiêu cơ hội giành chiến thắng của mình.