KTĐT - Mỗi lần nhậu quắc cần câu về đến nhà, Văn lại kiếm chuyện lôi vợ con ra đánh đập đến thừa sống thiếu chết. Sau khi tỉnh rượu, anh lại xuống nước xin lỗi và thề sẽ chừa, song chỉ được vài hôm bình yên rồi tình hình lại đâu vào đấy.
Đối với chị Như, 35 tuổi (quận Tân Bình, TP HCM), mỗi lần chồng uống rượu về đến nhà là lúc bắt đầu cơn ác mộng. “Thà rằng ổng đi đâu cho khuất mắt, chứ cứ về nhìn thấy vợ con y như rằng lại lè nhè, thượng cẳng chân hạ cẳng tay như một con trâu điên", chị bức bối kể.
Người vợ cho biết, hồi trước do gia cảnh khó khăn nên chị phải rời quê lên TP HCM làm công nhân may giày da. Trong thời gian này chị quen và yêu Văn (làm cùng công ty). Rồi cả hai quyết định tiến đến hôn nhân sau 5 năm trời tìm hiểu.
“Hồi yêu nhau anh ấy hiền lành và chí thú làm ăn lắm. Vì cùng cảnh ngộ tha phương cầu thực nên hai đứa rất hiểu và thông cảm cho nhau. Ai ngờ đến giờ đã có với nhau một mặt con rồi ảnh lại đổ đốn như thế. Bản thân mình cũng không thể hiểu được, chỉ thấy hối hận, giá như hồi ấy đừng lấy nhau...”, chị đau đớn nói.
Cũng chung cảnh ngộ lấy phải chồng "sâu rượu", chị Kiều (quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết, từ khi chị sinh con đầu lòng được một năm thì đức lang quân bắt đầu lao vào nhậu nhẹt bí tỉ, rồi các trận mưa đòn cũng theo đó mà giáng xuống người mẹ con chị.
"Đã thế mỗi lần đánh là ổng đóng cửa lại không cho ai vào can, càng khóc lớn thì ổng càng đánh nhiều. Có khi đập đầu vợ vào tường, đạp dúi vào nhà vệ sinh rồi cầm cả cái bếp ga mini ném, làm chân tay tôi trầy trụa, sau đó lao vào bóp cổ vợ...", chị Kiều rùng mình kể lại.
Chịu đựng nỗi đau đớn, tủi nhục sau 3 năm chung sống với người chồng vũ phu khiến chị Kiều mệt mỏi và tiều tụy đi nhiều. Mặc dù anh chồng năm lần bảy lượt níu kéo và hứa sẽ sửa lỗi nhưng rồi màn kịch đánh đập vẫn cứ lặp đi lặp lại. Cuối cùng không thể nhịn nữa, chị Kiều đã đưa đơn ly dị để tự giải thoát mình khỏi cảnh địa ngục trần gian ấy.
"Nghĩ thương con lớn lên lại mang tiếng không cha, nhưng tôi không thể chịu đựng thêm một ngày nào nữa, có chồng độc ác thà ở góa còn hơn", chị thở dài.
Là người có nhiều nghiên cứu những vấn đề về hôn nhân gia đình, Tiến Sĩ Đỗ Hạnh Nga, Giám đốc trung tâm Tham vấn tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho rằng, tình trạng các ông chồng khi uống rượu vào đánh đập vợ con dẫn đến mất hòa khí gia đình hiện nay rất phổ biến, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi mà tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề.
Bà Nga cho rằng, rượu bia là chất kích thích làm trí óc con người trở nên lu mờ nên mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái. Những người nghiện rượu, đặc biệt là đàn ông thường dẫn đến suy thoái về tinh thần và trở nên tàn bạo như bản năng của phái mạnh. Không chỉ vậy, các nạn nhân trong cuộc thường có quan niệm đó là những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình nên không giải quyết triệt để. Đây chính là nguyên nhân góp phần làm cho tình trạng bạo hành hiện nay tăng cao và ngày càng trầm trọng.
Vị chuyên gia cũng nhắc đến vụ án thương tâm vừa qua, bà Nguyễn Vũ Kim Sa (39 tuổi) ở quận Bình Thạnh vì bị anh trai thường xuyên vô cớ chửi mắng mỗi khi say rượu nên trong lúc cùng quẫn đã dùng dao đâm chết người anh.
Theo như bà Nga, những trường hợp bị bạo hành một cách trực tiếp hay gián tiếp cũng cần giải quyết một cách triệt để. Bước đầu, nạn nhân có thể tìm đến bác sĩ tâm lý hay trung tâm tâm lý để được hướng dẫn các cách phòng tránh theo từng trường hợp cụ thể. Các trường hợp bạo hành trong gia đình, ngoài người vợ thì con cái cũng bị ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài.
Cũng với ký ức tuổi thơ in hằn những trận đòn roi, Phương Lan, nữ sinh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, từ khi còn nhỏ đã phải chịu cảnh cha nhậu say về đánh đập chửi bới cùng với những trận đòn roi khủng khiếp.
"Trên người mình bây giờ vẫn còn những vết sẹo đủ mọi thứ từ dây điện, roi mây hay dây nịt", Lan (quê Thái Bình) xúc động nhớ lại.
Lan kể, những lúc bình thường, bố rất hiền lành, chăm chỉ làm ăn kiếm tiền, nhưng mỗi khi có rượu vào là ông như biến thành con hổ. Ông đánh đập vợ và con cái mọi nơi mọi lúc, tiện tay cái gì là cầm để đánh, có khi là cây gỗ, sợi dây điện, dây nịt hoặc thậm chí cả cây gậy sắt to... Mỗi khi biết bố có men vào, mấy anh em Lan tìm sang nhà bà nội trốn nhưng chỉ được vài lần, người cha lại phát hiện và lôi ra đánh.
“Còn mẹ cứ bị bố đánh chán rồi đuổi về nhà ngoại, mà chỉ biết khóc và chịu đựng chứ chưa bao giờ phản kháng. Những lúc như vậy mình rất hận bố, chỉ muốn tự tay giết chết ông ấy rồi tự tử quách cho xong”, cô gái 21 tuổi đau đáu.
Vì vết hằn in sâu trong tâm trí mà cho đến bây giờ mặc dù người cha đã ở tuổi gần đất xa trời không thể đi lại được, nhưng Lan và mọi người trong gia đình vẫn chưa thể tha thứ cho ông. Cô gái bộc bạch: "Mỗi khi được nghỉ lễ hay nghỉ hè mình đều kiếm việc làm thêm để khỏi phải về nhà dù rất nhớ nhà và nhớ mẹ chứ không hề muốn nhìn mặt bố mình tí nào".
Trao đổi với PV, bà Phan Thanh Minh, Trưởng Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em TP HCM khuyên, trong những tình huống bị bất kỳ ai bạo hành dù là lớn hay nhỏ, nạn nhân nên gọi điện ngay đến số 113 (đội cảnh sát phản ứng nhanh) để được can thiệp kịp thời, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, người dân ở các khu vực khác khi có thông tin về bạo hành có thể gọi đến đường dây nóng trung ương 18001567 để được hỗ trợ ngay.