Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2017 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố, tăng trưởng GDP Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018.
Số lượng doanh nghiệp mới thành lập lên đến con số kỷ lục là 110.000 doanh nghiệp trong năm 2016, tăng 16,2% so với năm 2015. Chỉ số quản trị mua hàng Nikkei – đo lường kỳ vọng dự trữ hàng tồn kho của doanh nghiệp đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2/2017, với số lượng đơn hàng mới cho các nhà sản xuất đặc biệt tăng vọt.
Cũng theo ADB, khi tốc độ tăng trưởng tăng lên lạm phát cũng được dự báo sẽ tăng đến 4,0% trong năm nay, và 5,0% trong năm 2018. Dự báo về việc tăng giá nhiên liệu và lương thực toàn cầu cũng như lãi suất đô-la Mỹ cùng với việc đồng đô-la mạnh lên là những yếu tố làm gia tăng lạm phát từ nước ngoài đưa vào.
Một nguyên nhân nữa làm cho lạm phát tăng là việc tiếp tục triển khai lộ trình điều hành giá cả trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, điện, nước và lương tối thiểu.
Áp lực nợ công buộc chính phủ phải đặt ra các chỉ tiêu tham vọng về bội chi ngân sách, kiềm chế mức thâm hụt tương đương 3,5% GDP trong năm 2017 và giữ nó ở mức 4,0% trong năm 2018.
Tăng trưởng cao và lạm phát tăng sẽ làm cho thặng dư tài khoản vãng lai giảm xuống. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng với tốc độ 10%/năm trong vòng 2 năm tới khi các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu đi vào sản xuất và các hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực.
Kim ngạch nhập khẩu dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn vì các luồng vốn đầu tư FDI lớn hơn sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào cho sản xuất. Do vậy, mức thặng dư tài khoản vãng lai hiện nay được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,0% GDP trong năm nay và 2,5% GDP trong năm 2018.
Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách sẽ được cắt giảm chủ yếu nhờ vào nguồn thu tăng lên từ việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, đây là một trong những nguồn thu ngân sách của chính phủ.
Nếu không tính nguồn thu này, thì kết quả cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ khiêm tốn hơn nhiều. Về phía chi ngân sách, chính phủ dự kiến sẽ cắt giảm 6% chi thường xuyên đồng thời tăng chi đầu tư lên 36%.
Những mục tiêu củng cố tài khoá trong trung hạn là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi phải tiến hành cải cách thuế sâu rộng hơn, quản lý thu ngân sách tốt hơn và chi tiêu công hiệu quả hơn.
Đặc biệt, báo cáo đã chỉ ra một nguy cơ khác đối với triển vọng này là khả năng cầu thế giới đột ngột yếu đi. Tốc độ tăng trưởng sút giảm của nền kinh tế Trung Quốc – một bạn hàng lớn của Việt Nam – sẽ làm suy yếu vị thế thương mại của Việt Nam.
Ngoài ra, nếu tình hình tài chính toàn cầu có biến động xấu cũng sẽ có ảnh hưởng lan toả đến thị trường trong nước, ngay cả khi thị trường vốn của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mở cửa.