Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ADB hỗ trợ Việt Nam 6 lĩnh vực trọng tâm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tái cơ cấu tài chính ngân hàng, Chính phủ Việt Nam cần đặt tiêu chí minh bạch lên hàng đầu. Minh bạch giúp Chính phủ Việt Nam đưa tín hiệu đến thị trường.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khẳng định như vậy trong cuộc họp báo chiều 31/10, công bố Chiến lược đối tác quốc gia Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015.

Nhiều phức tạp

Ông Tomoyuki Kimura khẳng định, cải cách khu vực DNNN là vấn đề quan trọng của kinh tế Việt Nam và điều này không thể làm trong một sớm, một chiều. Chính vì thế, ADB không can thiệp quá trình này nhưng sẽ hỗ trợ một vài DNNN điển hình hoàn thành tái cơ cấu, làm thực tế để các DN khác rút kinh nghiệm và tùy vào từng hoàn cảnh để nhân rộng. Tương tự, đối với nhiệm vụ cấp bách tái cơ cấu tài chính - ngân hàng, trọng tâm là khối ngân hàng thương mại, ông Tomoyuki Kimura cho biết: Sẽ đưa những kinh nghiệm giải quyết nợ xấu để giúp NHNN cải cách được hệ thống ngân hàng, tạo thị trường tài chính tốt hơn.

ADB hỗ trợ Việt Nam 6 lĩnh vực trọng tâm - Ảnh 1
ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam.Ảnh:  Hải Linh

 

Việc tái cơ cấu DNNN và hệ thống ngân hàng là cách thức tốt nhất để DN tư nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn tài trợ của ADB. Từ khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn, ADB mới có thể quyết định được số tiền cho Việt Nam vay. Điều đáng mừng, theo nhìn nhận của ABD, tổ chức này không lo ngại về khả năng trả nợ nước ngoài của việt Nam.

Sự hội nhập kinh tế khu vực ASEAN đang đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức mới. ADB nhận định, nhờ lực lượng lao động trình độ cao nên nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Song trong bối cảnh mới, Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt đến từ nhiều nước trong khu vực như Myanmar với lợi thế về nhân công giá rẻ. Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần phải đưa nền kinh tế vận hành có hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư thông qua nâng cấp hệ thống giáo dục mạnh mẽ hơn.

Nâng cao hiệu suất kinh tế

Theo ADB, trong khi Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đầy ấn tượng trong việc giảm nghèo khi tốc độ giảm nghèo diễn ra nhanh. Tuy nhiên, sự mất cân đối giữa các vùng vẫn tồn tại khi tỷ lệ hộ nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn cao. Điều này sẽ tạo ra những nguy cơ làm tổn thương nền kinh tế khi phát triển lên một mức độ cao hơn.

Đại diện ADB tái khẳng định, chiến lược tài trợ của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 chú trọng vào tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, ba trụ cột chính mà ADB hướng tới giúp Việt Nam là: tăng trưởng toàn diện, nâng cao hiệu suất kinh tế, môi trường bền vững. Đặc biệt, ADB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam trong 6 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; giáo dục; năng lượng; tài chính; giao thông vận tải; nước sạch và đô thị. Thời gian tới ADB ưu tiên một số ngành như giao thông, đô thị, năng lượng.

Trước đó, ADB đã thông qua kế hoạch, với tổng giá trị các khoản cho vay giành cho Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2015 có thể lên tới 2,6 tỷ USD từ các nguồn vốn vay thông thường và 1,2 tỷ USD từ vốn ưu đãi của Quỹ Phát triển châu Á. Nguồn vốn cho hỗ trợ kỹ thuật có thể đạt 8 triệu USD mỗi năm.