Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ADN giải oan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Anh Tùng cho rằng sự hiện hiện của đứa con như vậy cũng đủ giải thoát cho mẹ mình khỏi nỗi oan mà bà phải gánh chịu bấy lâu.

Sinh ra là cậu bé khôi ngô, tuấn tú, không mang nét thô kệch nào của cha, Tùng bị bố hắt hủi vì nghĩ anh là kết quả từ sự vụng trộm của vợ với người đàn ông đẹp trai trong làng.

Câu chuyện giải oan cho mẹ và cho chính mình của anh Thanh Tùng (Hưng Yên) khiến cho những người làm ở Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Thụy Khuê, Hà Nội) xúc động.

Theo lời người đàn ông 32 tuổi này, ngay từ khi mới sinh ra, anh đã không được hưởng sự yêu thương của cha. Mẹ anh là người phụ nữ đẹp, được nhiều người ngưỡng mộ, săn đón nhưng bà chỉ yêu và đồng ý làm đám cưới với bố anh - một trai làng thật thà, có vẻ ngoài không được ưa nhìn. Bố anh rất yêu vợ và hay ghen. 

Khi vợ sinh, ông vô cùng thất vọng khi thấy con trai chẳng có điểm nào giống mình. Trong khi đó, một người đàn ông đẹp trai trong làng, vốn say mê mẹ anh nhưng không được đáp lại, tung tin đồn qua lại với bà, khiến bố anh càng đinh ninh vợ đã ngoại tình với người kia nên mới đẻ ra một đứa con đẹp như vậy. Không muốn nhìn mãi đứa con của "kẻ khác" trong nhà mình, ông dã dứt tình, đuổi vợ đi và đưa anh Tùng trả lại cho nhà ngoại. 
ADN giải oan - Ảnh 1
Sau đó, ông sống một mình, trở nên cục cằn, thô lỗ và vô cùng khó tính. Vì thế, ông bị cả làng tẩy chay, sống cô đơn, còn Tùng luôn mang nỗi hận cha trong lòng. Nhưng năm ngoái, nghe tin bố ốm nặng, anh đưa vợ con về thăm ông. Khi nhìn thấy bé trai con anh, ai cũng phải thốt lên: "Thằng bé giống ông nội quá, giống như đúc khuôn vậy". 

Anh Tùng cho rằng sự hiện hiện của đứa con như vậy cũng đủ giải thoát cho mẹ mình khỏi nỗi oan mà bà phải gánh chịu bấy lâu. Thế nhưng, bố anh vẫn bị nỗi hiềm nghi che mắt, ông nói: "Làm sao tin được nó là con mày, ngày trước phụ nữ bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến như vậy mà còn lăng nhăng nữa là bây giờ... Công việc của mày thì nay đây, mai đó. Có gì chứng minh được lòng chung thủy của vợ mày. Nếu thằng bé này đúng là con mày, thì tao hạnh phúc quá, cùng lúc được cả con lẫn cháu"... 

Vô cùng tức giận trước những lời này, anh Tùng càng quyết tâm làm rõ mọi việc. Anh đưa con đến trung tâm xét nghiệm ADN để xác định quan hệ cha con. Kết quả cho thấy anh đúng là bố của con mình. Anh cầm tờ xét nghiệm, dẫn vợ con về quê, một mặt thanh minh cho vợ, mặt khác là lấy lại tiếng thơm cho người mẹ bất hạnh trước bố và họ hàng, làng xóm.

"Đó là lần đầu tiên cháu được bố gọi là con. Sau khi biết kết quả này, ông thay đổi hẳn. Hiện ông đã dọn đến ở cùng chúng cháu và quý cháu nội như vàng. Ông vô cùng hối hận vì đã đối xử tệ bạc với hai mẹ con cháu, mong cháu tha thứ...", anh Tùng nói khi gọi điện về chia sẻ với trung tâm ADN.

Bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho biết, khách hàng đến với trung tâm là những người ít nhiều có éo le, khúc mắc trong cuộc sống. Họ không thể hạnh phúc nếu như những bức xúc trong lòng không được giải tỏa, họ cần có một kết quả xét nghiệm ADN chính xác để giải quyết đúng đắn mọi vấn đề, và trong số đó, không ít trường hợp là để làm sáng tỏ nỗi oan ức cho mình hay người thân. 

Gần 10 năm làm công việc xét nghiệm ADN, bà bức xúc nhất là gặp những trường hợp người chồng cạn tình cạn nghĩa dùng một kết quả ADN sai để buộc cho vợ tội phản bội, rồi mượn cớ đó để bỏ vợ, bỏ con. Trường hợp của chị Trâm (Đống Đa, Hà Nội) là một điển hình. 

Trâm, 28 tuổi, hai lần mang mẫu của chồng và con tới trung tâm để làm xét nghiệm. Kết quả cả hai lần đều giống nhau: quan hệ cha - con. Lần thứ ba, cô đến với một tập kết quả xét nghiệm ADN của một công ty cổ phần khác, dưới dạng photo, và ấm ức kể: Chồng cô đem những tờ 'truyền đơn' với kết quả ghi 'không phải bố con' rải xung quanh nhà của bố mẹ đẻ cô để bêu riếu vợ và gia đình vợ. "Anh ta đang có bồ và dùng cách này để rũ bỏ vợ con", người phụ nữ đau khổ nói. 

Trâm muốn nhờ giám đốc trung tâm ADN tư vấn xem nên làm thế nào nhưng bà chỉ có thể giúp cô chứng minh sự thật bằng kết quả xét nghiệm trung thực, còn giải quyết vấn đề thì cần bàn bạc với cả nhà. Một tuần sau, Trâm thông báo cả nhà cô quyết định khởi kiện chồng cô ra tòa vì tội "dùng kết quả xét nghiệm ADN sai sự thật để vu khống, bôi nhọ danh dự người khác". 

Cô đề nghị tòa cho giám định ADN giữa chồng và con cô. Tòa đồng ý ngay. Nhưng anh chồng nhất định đòi phải làm ở công ty cổ phần đã chứng nhận "không phải cha con" cho anh ta trước kia, còn Trâm nhất quyết đòi đến xét nghiệm tại Trung tâm ADN của bà Nga, và cuối cùng tòa quyết định phải giám định tại một đơn vị thứ ba.

Dù vậy, Trâm vẫn lo lắng vì chồng cô có địa vị, tiền bạc, lại quen biết nhiều nên khả năng kết quả xét nghiệm theo ý anh ta là rất lớn, cô lại tìm tới trung tâm hỏi thăm. "Tôi chỉ có thể nói rằng một khi đã có sự vào cuộc của tòa án thì kết quả xét nghiệm chắc chắn sẽ phải trung thực, dù xét nghiệm ở đâu", bà Nga trấn an.

Trâm chờ mòn mỏi suốt 2 tuần, rồi 4 tuần và sang tuần thứ sáu mới nhận được tờ thông báo, dù thực tế, chỉ cần lâu nhất là vài ngày đã có kết quả. Tờ xét nghiệm đã giải oan cho Trâm. Cô đã gọi điện lại cho công ty cổ phần nơi chồng cô xét nghiệm trước đây đòi kiện thì họ chỉ một mực xin lỗi và ngỏ ý muốn bồi thường. 

"ADN không bao giờ cho ra kết quả sai khi người làm ra nó có tính trung thực, áp dụng công nghệ hiện đại và mẫu được gửi xét nghiệm chính xác. ADN chỉ sai và gây hậu quả xấu khi có sự tác động tiêu cực từ phía người làm xét nghiệm hoặc chính người yêu cầu xét nghiệm", bà Nga bộc bạch. 

Chính bà đã khuyên Trâm không nên tiếc nuối hay níu kéo người đàn ông bội bạc như chồng cô, dù kết quả ADN có thể khiến anh ta không có lý do ly hôn. Thực tế, những người như chồng Trâm không hiếm, nhưng bên cạnh đó, cũng có những người đàn ông cao thượng, dùng mọi cách giúp bạn đời hóa giải hiểu lầm từ phía những người xung quanh. Đó là trường hợp của anh Quý (Tây Hồ, Hà Nội). 

Người anh Quý muốn lấy làm vợ là Thu - một cô giáo đẹp người, đẹp nết nhưng chưa từng lập gia đình mà lại đang nuôi con nhỏ. Sau thời gian tìm hiểu, anh biết đứa trẻ là con một người bạn gái cùng học đại học với Thu. Ngày đó, cô bạn lỡ "ăn cơm trước kẻng" rồi có thai và bị bạn trai ruồng bỏ. Thu và cô bạn nọ ở chung phòng. 

Một ngày, cô sinh viên sư phạm trở về phòng trọ thì thấy người bạn đã bỏ đi, để lại đứa con còn đỏ hỏn và một lá thư nhờ cô chăm sóc. Thu hoang mang không biết phải làm sao. Nhiều người khuyên cô nên đưa đứa trẻ tới trại trẻ mồ côi gửi, nhưng Thu không làm vậy. Cuối cùng, cô giữ bé lại nuôi, chắt chiu từng đồng mua sữa cho con. Bạn bè cùng lớp và các thầy cô giáo cũng rất thương cảm, quyên góp nuôi dưỡng bé gái cùng Thu.

Cũng vì việc này mà mối tình đầu của cô tan vỡ. Những chàng trai sau đó tìm đến với Thu cũng chẳng ai dũng cảm đối mặt với thực tế để tiến tới hôn nhân với cô. Chỉ có anh Quý, người chồng hiện nay, là thông cảm và trân trọng tấm lòng nhân hậu của Thu. Nhưng các thành viên trong gia đình anh không phải ai cũng thông cảm và thấu hiểu. Thậm chí có rất nhiều câu hỏi đặt ra, kiểu như "chắc gì đã là con nuôi của cô ấy, biết đâu đứa bé chính là con riêng của Thu với anh nào, rồi bây giờ cứ ngụy trang để chứng tỏ mình còn trong trắng lắm...".

Biết vợ rất buồn vì điều này, anh Quý cố gắng tìm cách để chứng minh cho mọi người biết sự thật. Anh quyết định cùng vợ đưa con nuôi và những người thân đến trung tâm phân tích ADN để làm sáng tỏ mọi điều. Kết quả xét nghiệm đã khẳng định rõ ràng: Thu không phải là mẹ đẻ của đứa bé. Hai vợ chồng Thu không trực tiếp đến lấy kết quả như những người khác, họ đề nghị gửi thẳng xét nghiệm về cho gia đình lớn của anh Quý qua bưu điện. 

"Cũng như anh Quý, nhiều người không thể dễ dàng truyền niềm tin của mình với vợ cho mọi người chỉ bằng lời nói. Bởi vậy, họ cần có một bằng chứng khoa học là kết quả xét nghiệm ADN, để lấy lại phẩm giá cho người bị hiểu sai. Tôi thực sự không hiểu cuộc sống của Thu sẽ thế nào khi không có sự can thiệp kịp thời của xét nghiệm ADN. Khi mọi người đều có lòng nhân ái, sống không chỉ vì mình mà còn vì mọi người thì chắc không cần nhiều đến ADN", bà Nga chia sẻ.