Tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Báo cáo của Agribank cho thấy, đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn của Ngân hàng đạt 690.191 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2013, trong đó, tiền gửi dân cư tăng trưởng tốt, chiếm tỷ trọng 78,4% vốn huy động. Đáng chú ý, cơ cấu vốn được chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng vốn ổn định, vốn trung dài hạn, lãi suất đầu vào giảm dần, tăng hiệu quả kinh doanh.
Giao dịch tại một chi nhánh Agribank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
|
Hoạt động tín dụng của Agribank tiếp tục tăng trưởng, tập trung vào lĩnh vực truyền thống, sở trường là nông nghiệp, nông thôn, sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Năm 2014, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các gói, các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm khuyến khích, hỗ trợ khách hàng mở rộng và tái đầu tư. Tính đến 31/12/2014, tổng dư nợ cho vay đạt 605.324 tỷ đồng, tăng 8,8%, đạt mục tiêu đã đề ra; dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn duy trì mức độ tăng trưởng, đạt 411.295 tỷ đồng, tăng 32.310 tỷ đồng so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 74,3% tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.238 tỷ đồng, tăng 6%, vượt mục tiêu đề ra.
“Mạnh tay” tái cơ cấu
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc tái cơ cấu cũng được Agribank thực hiện quyết liệt. “Thay máu” đội ngũ quản lý, nâng cao chất lượng quản trị, tích cực xử lý nợ xấu… là các biện pháp “mạnh tay” đã được Agribank áp dụng để tái cơ cấu.
Theo Quyết định số 53/QĐ-NHNN ngày 15/11/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, Agribank sẽ tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2015, tỷ lệ cho vay lĩnh vực này khoảng 80% dư nợ, riêng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân khoảng 70%; tập trung xử lý nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu về mức tiêu chuẩn; tăng vốn tự có đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động; thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp lại lao động… cũng cần được quan tâm và triển khai quyết liệt. Tiếp tục mở rộng mạng lưới tại địa bàn nông thôn, nơi có điều kiện kinh doanh theo yêu cầu về phục vụ và chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 9/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, Đề án tái cơ cấu Agribank do NHNN xây dựng đã được Chính phủ phê duyệt và đang triển khai. NHNN đã tiến hành "thay máu" cơ bản HĐQT, Ban kiểm soát. NHNN cũng giao một Phó Thống đốc trực tiếp chỉ đạo tái cơ cấu Agribank.
Năm 2015, để triển khai thành công Đề án tái cơ cấu, Agribank đặt mục tiêu tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, DN nhỏ và vừa đạt tỷ lệ khoảng 80% dư nợ; tăng vốn tự có, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động, nợ xấu dưới 3%... Ngân hàng sẽ tập trung mọi nguồn lực để xây dựng Agribank thành ngân hàng hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, giữ vị trí chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng nông thôn. Các giải pháp giảm nợ xấu, lành mạnh hóa và cải thiện khả năng tài chính, ổn định đời sống cán bộ, nhân viên… cũng sẽ được toàn hệ thống chính trị của Agribank quan tâm và triển khai quyết liệt.