Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi xảy ra đụng độ giữa người biểu tình Thiên Chúa giáo và lực lượng an ninh khiến hàng trăm người thương vong tại thủ đô Cairo. Tuyên bố của SCAF được đọc trên truyền hình nói rõ SCAF "giao nhiệm vụ cho chính phủ nhanh chóng thành lập một ủy ban tìm hiểu sự thật nhằm xác định xem điều gì đã xảy ra và đưa ra các giải pháp mang tính pháp lý đối với mọi đối tượng dính líu vào vụ việc này, kể cả trực tiếp hay gián tiếp." SCAF cáo buộc các vụ bạo lực nói trên là âm mưu của một số đối tượng muốn phá hủy nhà nước Ai Cập và gây ra tình trạng hỗn loạn. SCAF cam kết sẽ thực thi các biện pháp cần thiết để khôi phục an ninh quốc gia, đồng thời nhấn mạnh "SCAF vẫn sẽ tiếp tục gánh vác trách nhiệm quốc gia bảo vệ người dân từ sau cuộc nổi dậy hồi tháng Một cho tới khi chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân cử." Cùng ngày, Chính phủ Ai Cập đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Essam Sharaf nhằm thảo luận biện pháp kiểm soát nguy cơ khủng hoảng đe dọa tiến trình bầu cử quốc hội và tổng thống trong thời gian tới. Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Thủ tướng Ai Cập Sharaf đã kêu gọi người dân nước này đoàn kết chống lại âm mưu của các thế lực thù địch trong và ngoài nước gây rối loạn an ninh đất nước, xúi giục bạo loạn, chống đối lẫn nhau giữa lực lượng quân đội và người dân, giữa cộng đồng Hồi giáo và cộng đồng Thiên Chúa giáo. Như tin đã đưa, từ một cuộc biểu tình hòa bình của khoảng 1.000 người theo đạo Thiên Chúa tại quận Maspero chiều 9/10 để phản đối việc một nhà thờ của họ ở tỉnh Assouan bị đốt cháy hôm 30/9, bạo lực đã bùng phát khi một số kẻ quá khích đốt phá xe của cảnh sát, ném đá vào lực lượng chống bạo động và nhân viên an ninh, buộc cảnh sát phải sử dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn bạo lực. Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát khiến ít nhất 23 người biểu tình thiệt mạng và 174 người bị thương. Ngay sau đó, chính quyền Ai Cập đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 2-7 giờ sáng (theo giờ địa phương) trên toàn bộ khu vực kéo dài từ quận Maxpêrô bên bờ sông Nile đến Quảng trường Abbassiya ở trung tâm thủ đô. Đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất tại Ai Cập kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2./.