Đồng thời, cơ quan này cũng thu hồi toàn bộ các giấy chứng nhận hợp quy đã cấp không đúng quy định, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ việc giả mạo quyết định chứng nhận hợp quy trong việc cấp 36 sản phẩm của Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con Cò Vàng sản xuất.
Không có năng lực, vẫn cấp phép
Theo kết luận thanh tra do Phó chánh Thanh tra Bộ NNPTNT Nguyễn Ngọc Anh ký thì hiện cả nước có 11 đơn vị được Cục Trồng trọt của Bộ NNPTNT chỉ định hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón thì kết quả kiểm tra cho thấy cả 11 đơn vị này lại không có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón. Cùng đó, một số đơn vị không có đăng ký trong lĩnh vực hoạt động chứng nhận hoặc phòng thử nghiệm không được chỉ định thử nghiệm đối với lĩnh vực phân bón, không đủ điều kiện và năng lực theo quy định.
Cụ thể, tại Công ty Cổ phần giám định và khử trùng FFC còn không lấy mẫu phân bón để kiểm nghiệm, nhưng vẫn cấp chứng nhận sản phẩm hợp quy… Thậm chí đoàn thanh tra còn phát hiện có công ty sử dụng cả hồ sơ, tài liệu giả mạo sai sự thật để đăng ký hoạt động đánh giá phù hợp hoặc đăng ký chỉ định đánh giá sự phù hợp.
Ảnh minh họa.
|
Nguy hiểm hơn, một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cà phê là Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hóa XNK(Cafecontrol) không có phòng thí nghiệm về phân bón cũng như chuyên gia chuyên ngành về lĩnh vực phân bón và thực tế là không hoạt động gì trong lĩnh vực phân bón mà vẫn được Cục Trồng trọt ký quyết định chỉ định được phép hoạt động cấp chứng nhận chất lượng cho các mặt hàng phân bón.
Có dấu hiệu giả mạo hồ sơ
Cũng theo kết luận của Thanh tra Bộ NNPTNT, không ít doanh nghiệp núp bóng “mác” đã được Cục Trồng trọt cho phép cấp chứng nhận chất lượng phân bón vẫn đi chứng nhận bừa các sản phẩm phân bón dẫu không ít loại phân bón bị nghiêm cấm sản xuất. Điển hình như Công ty Globalcert, dù không đủ điều kiện năng lực tổ chức chứng nhận, nhưng vẫn chứng nhận chất lượng sản phẩm phân hữu cơ vi sinh EMZ-USA; phân hữu cơ vi sinh Bò Vàng Long Quân 1(COWMAX-01); phân hữu cơ vi sinh IPM 01 (Bio Super); IPM 02; IPM 04…
Mặc dù những sản phẩm này không hề có tên trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam, và cũng không hề có kết quả đánh giá của Hội đồng khoa học công nghệ của Bộ NNPTNT vẫn được Cục Trồng trọt cho phép đơn vị này thực hiện với tất cả các loại phân bón.
Nguy hại hơn, khi tiến hành thanh tra Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ đã phát hiện đơn vị này không có tài liệu chứng minh kinh nghiệm của nhân viên… nhưng từ năm 2013 cho đến thời điểm thanh tra, Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ đã ký 569 hợp đồng để thực hiện đánh giá chứng nhận hợp quy và cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 5141 sản phẩm phân bón, trong đó có 4326 sản phẩm là phân vô cơ, 337 sản phẩm phân hữu cơ, 478 sản phẩm phân bón lá. Đồng thời, Trung tâm Khảo nghiệm hiện đang tiến hành chứng nhận chất lượng cho 318 sản phẩm; đặc biệt là đơn vị này đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 496 sản phẩm phân bón không nằm trong danh mục quy định.
Trong khi đó, Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ chỉ được Bộ Công Thương chỉ định là tổ chức chứng nhận phân bón DAP, phân lân nung chảy, song Trung tâm này đã cấp chứng nhận hợp quy cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ không phải là phân bón DAP và phân lân nung chảy. Được biết, hiện trung tâm cũng không thực hiện giám sát sau khi cấp dấu hợp quy theo quy định và không lưu mẫu các lại phân bón đã được kiểm nghiệm.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ NNPTNT khẳng định 11 đơn vị trên không đảm bảo duy trì năng lực tổ chức chứng nhận; thực hiện chứng nhận chất lượng các sản phẩm phân bón không tuân thủ các quy trình đánh giá sự phù hợp theo quy định; không thực hiện chứng nhận chất lượng các sản phẩm phân bón, không tuân thủ các quy trình đánh giá phù hợp theo quy định… Đặc biệt, có biểu hiện gian lận trong việc đánh giá chứng nhận hợp quy khi không thực hiện đánh giá theo quy định của Bộ NNPTNT, nhưng lấy kết quả của hoạt động khác để làm hồ sơ hợp quy cho 40 sản phẩm phân bón lưu thông trên thị trường…
Do vậy, cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để điều tra làm rõ việc giả mạo quyết định chứng nhận hợp quy của Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định Vinacert cho 36 sản phẩm do Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con Cò Vàng sản xuất.
Kết luận của Thanh tra Bộ đã rõ, vấn đề mà dư luận quan tâm vì sao Cục Trồng trọt và các đơn vị của Cục này lại lạm dụng chức năng, quyền hạn của mình tiếp tay cho một số tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng trong thời gian dài để gây ra biết bao thiệt hại cho bà con nông dân? Ai, hoặc cơ quan nào phải đền bù thiệt hại cho nông dân vì đã chót sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.