Sát cánh cùng người nghèo, đối tượng chính sách
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoài, ở phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) vốn là một hộ nghèo của quận, bởi 2 vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định, lại có 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. Nhưng cuộc sống của gia đình chị đã bước sang trang mới, khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thông qua hội Phụ nữ phường để phát triển kinh tế.
Chia sẻ hành trình thoát nghèo của mình, chị Hoài cho biết, từ đồng vốn ưu đãi được vay, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng điện nước. Ban đầu chỉ là một cửa hàng nhỏ, nhưng chị tiếp tục vay thêm vốn tín dụng và mở rộng buôn bán hàng trăm mặt hàng đồ điện gia dụng.
Ngoài ra, anh chị còn phát triển thêm dịch vụ lắp đặt, sửa chữa điện nước các công trình dân dụng phục vụ bà con. Thu nhập bình quân của gia đình từ 50 - 60 triệu đồng/tháng. “Từ bản thân mình, tôi nhận thấy, để thoát nghèo, ngoài sự quyết tâm, kiên trì của từng gia đình, thì rất cần đến sự sát cánh từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể của gia đình tôi là Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách cho người nghèo” - chị Nguyễn Thị Hoài nói.
Ông Đỗ Hồng Việt ở phường Hàng Bột (quận Đống Đa) cũng là một đối tượng may mắn được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Trong căn hộ chung cư khang trang được mua từ nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội, ông Việt xúc chia sẻ: “Nguồn vốn vay này thực sự vô cùng quý giá với gia đình tôi nói riêng và những người lao động thu nhập thấp có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở nói chung. Đây đúng là phao cứu sinh cho người nghèo”.
Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quận trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội. Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thười kỳ của quận.
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà đánh giá
Theo báo cáo từ NHCSXH Hà Nội, sau 20 năm triển khai, TP tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và đối tượng chính sách khác thông qua NHCSXH. Trong 20 năm qua, hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách của thành phố được vay vốn với số tiền 42.538 tỷ đồng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, TP đã chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ 334 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh NHCSXH Hà Nội thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 12.773 tỷ đồng với gần 255 nghìn khách hàng vay vốn, tăng 12.439 tỷ đồng, gấp 38,2 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh là 10.177 tỷ đồng, chiếm 80%; dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ đời sống là 2.596 tỷ đồng, chiếm 20%.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của TP, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời; giúp 243.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 808.000 lao động; giúp hơn 148.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo 775.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.300 ngôi nhà cho hộ nghèo; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mở rộng đối tượng, tăng quy mô vốn vay
Chia sẻ về những khó khăn khi triển khai Nghị định 78, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh cho biết, Hà Nội dân số đông, mặc dù được Trung ương và TP quan tâm bổ sung hàng năm nhưng nguồn vốn chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách, trong khi đòi hỏi về vốn để hỗ trợ tạo việc làm còn rất lớn.
Đặc biệt, những năm gần đây, dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh gia súc gia cầm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, đối tượng chính sách, tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Để khắc phục, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn vốn tín dụng chính sách, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình vay vốn. Mặt khác, phải tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách TP, quận, huyện, thị xã để kịp thời cho vay hỗ trợ người dân trên địa bàn phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, dưới góc độ người vay vốn, ông Nguyễn Trọng Hải – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) kiến nghị: “Thực tế triển khai chương trình này qua 20 năm, tôi kiến nghị các cấp, ngành quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn vay lê 200 triệu đồng/người, đồng thời giảm bớt lãi suất chương trình cho vay giải quyết việc làm để tạo điều kiện hơn cho Nhân dân”.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội cho biết, thời gian tới, dự báo tình hình chính trị, kinh tế còn nhiều khó khăn thách thức. Hơn ai hết, những người nghèo, đối tượng chính sách xã hội là những người yếu thế và gặp nhiều khó khăn nhất. Vì vậy, hoạt động chính sách xã hội cũng phải được quan tâm hơn nữa để triển khai phù hợp với điều kiện mới.
Trước thực tế này, Giám đốc NHXSXH TP kiến nghị Thành ủy, HĐND và UBND TP bổ sung nguồn vốn phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cho vay giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn... Bên cạnh đó, đề nghị các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp với NHSCHX tham mưu UBND TP bố trí vốn ủy thác sang NHCSXH TP để cho vay thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Thành ủy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đề xuất với các cấp, các ngành liên quan bổ sung, chỉnh sửa cơ chế, chính sách sao cho phù hợp thực tiễn.