An dân từ những việc cụ thể nhất

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dòng thông tin ào ạt về công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, những thông tin về công tác phòng chống dịch trên tuyến đầu như ở các bệnh viện dã chiến, các điểm tiêm chủng, xét nghiệm… luôn được ưu tiên quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động tuyến đầu đó, cũng còn những công việc dường như thầm lặng hơn, nhưng xem ra quan trọng không kém.

Có thể chưa thật chính xác, nhưng có thể nói, nếu công tác cứu chữa, giành giật sự sống cho bệnh nhân F0 tại các bệnh viện hay việc tổ chức tiêm chủng đại trà, xét nghiệm diện rộng… là ở tiền tuyến thì công chăm lo an sinh xã hội tạo nên hậu phương vững chắc cho cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh. Và đó là những công việc hết sức cụ thể, nhiều khi tưởng như rất nhỏ, nhưng không thể thiếu.

Với công cuộc phòng chống dịch bệnh của Hà Nội cũng vậy. Trong tuần qua, bên cạnh những thông tin về công tác tiêm chủng vaccine, nhiều địa phương đã hoàn thành việc tiêm vaccine cho 100% người dân trong độ tuổi từ 18 trở lên, hoàn thành việc xét nghiệp diện rộng cho 100% người dân "Vùng đỏ", vùng có nguy cơ cao… làm dấy lên hy vọng thành phố sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, là những thông tin làm ấm lòng người dân.
Chẳng hạn như việc Hà Nội quyết định hỗ trợ cho những người không hộ khẩu, người chưa kịp đăng ký tạm trú. Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ gồm người lao động bị dừng việc làm, mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, Chỉ thị số 20 của Hà Nội đang gặp khó khăn nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo các quyết định, nghị quyết của thành phố. Những người không có hộ khẩu Hà Nội, chưa làm đăng ký tạm trú có nhu cầu, nguyện vọng cũng được xem xét hỗ trợ.
Bên cạnh đó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn cũng thuộc đối tượng được rà soát. Mỗi trường hợp đủ điều kiện sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội hỗ trợ 500.000 đồng. Kinh phí trích từ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Việc rà soát, lập danh sách hỗ trợ các trường hợp nói trên được làm xong trước ngày 14/9.

Trong một động thái khác, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thống kê lao động, người dân ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội có nhu cầu về quê để Sở báo cáo thành phố trước ngày 15/9. Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh không có nơi cư trú cố định.

Để hỗ trợ kịp thời những người dân gặp khó khăn do đại dịch, Ủy ban MTTQ các cấp ở Hà Nội cũng đã thiết lập đường dây nóng với mục tiêu: Người khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội, dù ở bất cứ địa chỉ nào, có thể gọi điện đến đường dây nóng của Ủy ban MTTQ thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam của 30 quận, huyện để nhận được sự giúp đỡ kịp thời. Sau 4 tuần hoạt động, đường dây nóng của MTTQ các cấp ở TP Hà Nội đã hỗ trợ 2.222 trường hợp gặp khó khăn với số tiền hơn 700 triệu đồng. Mặt trận các địa phương cũng đã hỗ trợ gần 250.000 suất quà trị giá gần 68 tỷ đồng cho người dân trong khu cách ly, người gặp khó khăn do dịch. Hơn 30.000 chủ nhà trọ, cửa hàng đã miễn trên 30 tỷ đồng cho người đi thuê.

Có thể thấy rằng, những công việc trên, dù không trực tiếp trên tuyến đầu chống dịch nhưng thực sự đã góp phần ổn định tình hình, khiến người dân an tâm, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của thành phố.

Tại các buổi làm việc với Hà Nội cũng như các địa phương về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh quan điểm cần thực hiện tốt chủ trương “xã, phường, thị trấn là pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Để thực hiện chủ trương trên, làm tốt công tác an dân từ những việc cụ thể như Hà Nội đã và đang làm là vô cùng cần thiết. Có như vậy, người dân mới yên tâm và có điều kiện thực hiện những biện pháp phòng chống, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.