Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấn Độ với trọng tâm đối ngoại chinh phục đối tác xa

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức ở Ấn Độ hội nghị cấp cao quy mô lớn chưa từng thấy giữa Ấn Độ và các nước châu Phi.

Bây giờ, ông Modi công du 4 nước lớn trên châu lục này là Mozambique, Nam Phi, Tanzania và Kenia. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước châu Phi là một trong những trọng tâm đối ngoại được ông Modi thực hiện kể từ khi lên cầm quyền ở Ấn Độ cách đây hơn 2 năm, vì thế mà có phải cất công đi xa để chinh phục các đối tác xa thì cũng không thể ngại.
Ấn Độ với trọng tâm đối ngoại chinh phục đối tác xa - Ảnh 1
Cái khó đối với ông Modi nói riêng và Ấn Độ nói chung trong công cuộc tranh thủ các quốc gia châu Phi là cần ở châu Phi nhiều mà có ít cái mời chào cho châu Phi, tức là không có những ưu thế cạnh tranh như Trung Quốc. So với Trung Quốc, Ấn Độ hiện đã chậm chân ở mức độ đáng kể trong quan hệ hợp tác với châu Phi. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ còn phải ganh đua với một vài đối tác đáng gờm khác như Nhật Bản, Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU). Về tiềm lực tài chính và trình độ công nghệ, Ấn Độ không bì kịp tất cả các đối tác này. Trong khi đó, Ấn Độ có nhu cầu về năng lượng và nguyên vật liệu mà châu Phi có thể đáp ứng được không kém, thậm chí có lúc còn lớn hơn các đối tác kia.

Nhưng Ấn Độ có một thế mạnh mà tất cả các đối tác kia không có được trong quan hệ với châu Phi là sự tương đồng về lịch sử và chính trị. Ấn Độ cũng đi lên từ một thuộc địa như các nước châu Phi và phải tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như các nước châu Phi. Ấn Độ cùng với các nước châu Phi gộp lại chiếm tổng cộng 1/3 dân số thế giới trong khi cả châu Phi và Ấn Độ đều không có cương vị ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Sự tương đồng này giúp Ấn Độ và các nước châu Phi dễ co cụm, dễ tập hợp lực lượng và dễ gây dựng sự tin cậy lẫn nhau. Ông Modi đang triệt để tận dụng sự tương đồng này.

Để có thể chinh phục được đối tác xa khi khả năng tài chính của mình bị hạn chế và cuộc cạnh tranh với các đối tác khác quyết liệt đến thế, ông Modi ý thức được rằng phải có cách tiếp cận thích hợp và phương cách riêng. Tại hội nghị cấp cao năm ngoái với châu Phi, Ấn Độ đã tuyên bố dành nửa tỷ USD cho viện trợ tài chính và phát triển cũng như tín dụng cho các nước châu Phi, phát đi thông điệp Ấn Độ không đến với châu lục này chỉ với tay không. Ông Modi không đặt điều kiện chính trị cho hợp tác với châu Phi như Mỹ hay EU. Ông Modi cũng không chỉ coi Ấn Độ là thị trường để tiêu thụ sản phẩm và nguồn cung cấp nguyên vật liệu như Trung Quốc hay Nhật Bản. Ông Modi muốn gây dựng quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị bình đẳng và cùng có lợi thực sự giữa hai bên. Muốn đáp ứng được nhu cầu năng lượng và nguyên vật liệu từ châu Phi và giành được sự ủng hộ của châu Phi cho mục tiêu trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an trong cuộc cải tổ Liên Hợp quốc thì ông Modi không thể không như thế trong quan hệ với các nước châu Phi.