Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An Hảo Tây - Vùng đất khó đã chuyển mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã An Hảo Tây (Hoài An, Bình Định) là vùng đất khó, bởi nơi đây hầu như không có gì kể từ khi chia tách và thành lập vào năm 2007.

 Đời sống của Nhân dân vô cùng khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm, trụ sở… đều là con số không. Vậy mà hôm nay mọi thứ đã đổi thay nhanh chóng. Thấp thoáng bên các con đường bê tông thẳng tắp là những ngôi nhà cao tầng, mái ngói đỏ thắm đua nhau mọc lên, đông đúc người mua bán. Bấy nhiêu đó cũng đủ cho thấy cuộc sống vùng nông thôn khó khăn ngày nào đã thật sự đổi thay.
Nông dân xã An Hảo Tây được hỗ trợ nhiều nguồn vốn để trồng màu.
Nông dân xã An Hảo Tây được hỗ trợ nhiều nguồn vốn để trồng màu.
 Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Duy Linh - Chủ tịch UBND xã không ngần ngại cho biết: An Hảo Tây là một xã nghèo của huyện, với tổng diện tích tự nhiên 3.005ha, trong đó có 1.414,8ha là đất sản xuất nông nghiệp (đất lúa 221ha), tổng số hộ dân là 1.047 hộ và 4.627 nhân khẩu phân bố trên 5 thôn, trong đó hiện 3 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn được hưởng Chương trình 135. Thu nhập của người dân còn thấp, bình quân đầu người đạt 12,5 triệu đồng/năm.

Với đặc điểm đó, Đảng ủy và chính quyền xã xác định, kinh tế của xã phát triển chủ yếu là nông, lâm nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chính. Vì vậy ngay từ đầu năm, xã đã tập trung chỉ đạo Nhân dân quy hoạch vùng sản xuất, xác định cây trồng phù hợp với khả năng, điều kiện của từng thôn, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống cấp 1 vào sản xuất. Thực hiện tốt việc chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã đã tiến hành rà soát toàn bộ diện tích lúa thiếu nước, lúa 1 vụ đưa vào trồng các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn như ngô, lạc, phát triển các loại cây ăn quả như chôm chôm, bưởi, nhãn… Ngoài ra, trồng dâu nuôi tằm cũng đang là cây chủ lực của địa phương, góp phần giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Với 71ha dâu hiện có đã giải quyết một lượng lớn lao động dư thừa nông thôn có việc làm thường xuyên và thu nhập khá. Bởi, trồng một sào dâu thì nuôi được 5 nong tằm và cho ra 10kg kén trong vòng 20 ngày; với giá kén hiện tại 120.000 đồng/kg thì mỗi tháng cho thu nhập khoảng từ 4 - 5 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Đặc biệt, trồng rừng cũng đang là nguồn thu nhập chính giúp người dân ở đây giàu lên trông thấy. Điển hình như anh Đặng Văn Hiệu ở thôn Châu Sơn, Nguyễn Văn Lâm ở thôn Vạn Tín…

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, chiếm tới 23%. Để giúp xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, lãnh đạo xã vận động Nhân dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất. Đồng thời phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề, mở lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Ông Linh cho biết thêm: Cùng với cả nước hướng về xây dựng nông thôn mới, tính đến cuối năm 2013, An Hảo Tây đã hoàn thành được 10/19 tiêu chí, bao gồm: Điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội, quy hoạch, y tế, giáo dục. Đặc biệt, xã đã tranh thủ lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình khác nhau để từng bước hoàn thành cơ sở hạ tầng. Đến nay đã xây dựng được 5 nhà văn hóa cộng đồng trên 5 thôn; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; trường TH, THCS đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1, trường mẫu giáo xây dựng cơ bản; công trình cấp nước sạch đang thi công, dự kiến cuối năm 2014 sẽ đưa vào sử dụng, cung cấp cho 3,5 xã. Điều đáng ghi nhận là các con đường nối liền giữa các thôn giờ đây đã được bê tông phẳng lì; đường nội đồng hoàn thành 4 tuyến và 4 tuyến khác đang tiếp tục xây dựng giúp cho người dân thuận lợi trong sản xuất.

Với những gì đạt được như hôm nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành trong huyện và nhất là sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân trong toàn xã. Vùng đất khó An Hảo Tây đang thật sự chuyển mình đứng dậy.