Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn mặn dễ… chết sớm

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Việt đang có thói quen ăn quá nhiều mì chính và muối, điều này không tốt cho thận, tim và làm gia tăng bệnh nhân tăng huyết áp.

“Hãy dừng ăn mặn” là khuyến cáo của PGS.TS Đỗ Doãn Lợi – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia.

Theo công bố mới nhất của Hội Tim mạch học quốc gia, điều tra năm 2015 - 2016 trên gần 5.500 người trưởng thành (trên 25 tuổi) tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền cho thấy, có đến 47,3% người dân bị tăng huyết áp. Con số này cao gần gấp 2 điều tra năm 2008 (25%). Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính bệnh tim mạch là nguyên nhân gây hàng đầu tử vong tại Việt Nam, chiếm khoảng 33% số ca tử vong. PGS.TS Đỗ Doãn Lợi cho rằng, đây là con số quá khủng khiếp đối với giới chuyên môn. Còn với người dân, nhiều người rất chủ quan, chưa quan tâm phòng bệnh, thậm chí khi biết mình mắc bệnh tim mạch, vẫn không bỏ được thói quen hằng ngày như hút thuốc, ăn mặn…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
“Người dân nên hạn chế thói quen ăn nhiều muối, dùng nước mắm, nước chấm mặn. Ngoài ra nên ăn ít các món muối như dưa, cà, mắm tôm, mắm tép… đều là các món mặn chát. Hạn chế sử dụng mì chính, bột ngọt, đều có thành phần natri, có hại cho mạch máu” – PGS Lợi nhấn mạnh.  Đối với trẻ nhỏ, PGS.TS Lợi cũng khuyến cáo, hoàn toàn không nên cho trẻ ăn mì chính vì trong độ tuổi phát triển, sử dụng nhiều mì chính sẽ ngăn cản khả năng phát triển chiều cao khiến các em không thể phát triển toàn diện được.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, mì chính có hóa chất excitotoxins gây tổn thương não, hệ thống thần kinh T.Ư và khuyến cáo trẻ dưới 2 tuổi không nên dùng. Những người có tiền sử tiểu đường nếu ăn nhiều mì chính làm cho lượng đường huyết tăng, dễ mắc bệnh đái tháo đường hơn. Nó còn là thủ phạm tăng đồng thời 3 căn bệnh nan y là kháng insulin, thừa cân và bệnh chuyển hóa.

Đối với muối, đây là chất không thể thiếu cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu hấp thụ một lượng muối quá mức cần thiết sẽ gây ra nhiều tác hại về lâu dài. Cụ thể, nó sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh cao huyết áp, tim mạch, tăng nguy cơ bị stress cũng như các bệnh về thận, bệnh về tiêu hóa, ung thư dạ dày…

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, người Việt ăn mặn gấp 2 - 3 lần khuyến cáo. Kết quả nghiên cứu về lượng muối có trong khẩu phần ăn của nhóm người trưởng thành ở độ tuổi 25 - 64 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12-15 g/người/ngày. Lượng muối tiêu thụ hằng ngày của người dân Việt Nam chủ yếu thu nhận từ các loại gia vị cho vào thức ăn trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn (chiếm 81%), có trong thực phẩm chế biến sẵn (11,6%) và trong thực phẩm tự nhiên.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên khống chế lượng muối đưa vào cơ thể, ăn uống điều độ, khoa học. Lượng muối tiêu thụ tối đa trong một ngày chỉ nên dừng ở mức 6g, tương ứng với một thìa cà phê.