An ninh hạt nhân: Không thể đối thoại?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lúc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân đang diễn ra nhằm đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu, CHDCND Triều Tiên lại tiến hành một cuộc phóng tên lửa như một sự thách thức với những nỗ lực đảm bảo an ninh hạt nhân của cộng đồng quốc tế.

Ngày 1/4, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) xác nhận, CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa đất đối không vào vùng biển phía Đông. Theo JCS, tên lửa tầm ngắn nói trên, bay khoảng 100 km, được phóng vào lúc 12 giờ 45 phút ở gần bờ biển Seondeok. Vụ phóng trên diễn ra đúng 3 ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa từ bệ phóng tên lửa đa nòng mới.
Hình ảnh vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên hồi đầu năm 2016.
Hình ảnh vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên hồi đầu năm 2016.
Các động thái của CHDCND Triều Tiên đã khiến các quốc gia lo lắng. Ba cường quốc lớn là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thống nhất quan điểm không đối thoại mà tập trung vào các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn là đối thoại, gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và ngăn chặn các hành động khiêu khích làm bất ổn chính trị.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng gây áp lực với Trung Quốc - đồng minh duy nhất của  CHDCND Triều Tiên - yêu cầu nước này lên kế hoạch giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, trước bối cảnh căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng. Từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn trì hoãn việc trừng phạt Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, lần này, 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc bao gồm các ngân hàng: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp cùng Ngân hàng Nông nghiệp đã ngừng chuyển đồng Nhân dân tệ và USD sang Triều Tiên - một động thái chưa từng có tiền lệ. Hôm 1/4, sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố, Washington và Bắc Kinh sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa tuyên bố mở rộng lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính với CHDCND Triều Tiên, nối tiếp lệnh trừng phạt khắc nghiệt được áp dụng bởi Liên Hợp quốc (LHQ) hồi đầu tháng trước. Theo báo cáo, các lệnh trừng phạt bổ sung bao gồm đóng băng tài sản của các tổ chức chính phủ CHDCND Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân quốc gia. Việc các quốc gia liên tiếp đặt ra các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt và bỏ qua khả năng đối thoại, kèm theo động thái mới nhất của Triều Tiên trong việc phóng tên lửa cho thấy, hạt nhân vẫn là vấn đề “đau đầu” của cả thế giới.

Tham gia Hội nghị An ninh hạt nhân, Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị đã khẳng định và đề cao chính sách nhất quán của Việt Nam về không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân; sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, chính quyền Mỹ cam kết sẽ nỗ lực vận động để Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong năm 2016.
Về vấn đề Biển Đông, phía Mỹ khẳng định ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua các tiến trình pháp lý và bằng các biện pháp hòa bình, kêu gọi phi quân sự hóa và không tiến hành tôn tạo các đảo đá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần