KTĐT - Vụ đánh bom sân bay Domodedovo đang đặt ra các câu hỏi về hiệu quả của chiến lược chống khủng bố tại Nga, đặt lực lượng an ninh nước này trước sức ép phải thay đổi.
Mở rộng ra ngoài biên giới
Vụ đánh bom sân bay Domodedovo làm 35 người thiệt mạng đang thách thức những nỗ lực của Điện Kremlin trong việc trấn áp khủng bố và giải quyết căng thẳng dân tộc ngay tại thủ đô Matxcơva. Sự kiện này mang nhiều dấu ấn của chiến binh Chechnya và chúng cũng lập tức bị coi là nghi can chính.
Trước đó, phiến quân đòi ly khai doạ sẽ tấn công các thành phố và mục tiêu kinh tế của Nga trước thềm cuộc bầu cử quốc hội năm nay và bầu cử tổng thống năm 2012. Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi khủng bố 15 năm qua làm hàng trăm người Nga thiệt mạng. Những vụ tấn công trước nhằm vào thường dân gồm đánh bom máy bay, tàu hoả, nhà ga tàu điện ngầm, khu căn hộ và nhà hát ở thủ đô Nga.
Tuy nhiên đây là lần đầu tiên khủng bố chọn sân bay quốc tế Domodedovo làm mục tiêu, nơi có cả người nước ngoài. Hành động này cho thấy chúng đang tìm cách gia tăng sự bất ổn ra ngoài biên giới Nga. Trong số các nạn nhân thiệt mạng của vụ nổ có hai người Anh, một người Đức và một người Bulgari, cùng với hàng chục công dân ngoại quốc khác bị thương.
Vụ tấn công làm tổn hại nền an ninh Nga trong bối cảnh Tổng thống Medvedev đang chuẩn bị tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ) trong ngày hôm nay, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Nga cũng đang hướng tới Olympic mùa đông 2012 tại Sochi, nơi mà một số chiến binh Hồi giáo coi là "lãnh thổ do Nga chiếm đóng", và đặc biệt là World Cup 2018 nước này mới giành quyền đăng cai.
Thay đổi chiến lược
Tổng thống Medvedev tuyên bố ông sẽ truy tìm bằng được những kẻ đứng sau vụ khủng bố để trừng phạt. Quan điểm này được người tiền nhiệm của ông, đương kim Thủ tướng Vladimir Putin, nhắc lại với tuyên bố sẽ trả thù khủng bố. Putin cũng là người ghi dấu ấn khi phát động cuộc chiến chống chiến binh Chechnya năm 1999. Chiến dịch này sớm đạt được mục tiêu, nhưng làn sóng nổi dậy đã lan từ Chechnya sang các nước cộng hoà vùng Bắc Kavkaz là Igushetia và Dagestan.
Theo đánh giá của Time, uy tín của Tổng thống Medvedev và chính phủ Nga cũng là "nạn nhân" trong vụ đánh bom sân bay. Vụ tấn công xảy ra chưa đầy một năm sau vụ khủng bố tương tự nhằm vào tàu điện ngầm Matxcơva cũng cho thấy người Nga chưa thể đảm bảo hoàn toàn cho an ninh, dù bộ đôi lãnh đạo có tiếng là mạnh mẽ Medvedev và Putin đang cùng nỗ lực giải quyết điểm nóng Bắc Kavkaz.
Kể từ khi ông Medvedev lên cầm quyền năm 2008, ông đã cùng Thủ tướng Putin chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế cho Bắc Kavkaz và tạo công ăn việc làm cho người địa phương. Chiến lược này được thực hiện với hy vọng những tín đồ Hồi giáo trẻ ở địa phương sẽ xa rời chủ nghĩa khủng bố.
Bộ đôi Medvedev - Putin thậm chí vẫn kiên định với chiến lược nói trên ngay cả sau khi đã xảy ra vụ đánh bom tàu điện ngầm Matxcơva, hồi tháng 3 năm ngoái. Mới đây nhất vào tuần trước, Thủ tướng Putin đã cam kết bổ sung 13 tỷ USD riêng trong năm tài chính 2011, nhằm giúp giải quyết nạn thất nghiệp ở khu vực Bắc Kavkaz.
So sánh với những biện pháp cứng rắn đối phó với vấn đề Bắc Kavkaz trong quá khứ, các nỗ lực bằng kinh tế và tài chính dù nhận được sự hoan nghênh, nhưng hiệu quả vẫn không thật sự ấn tượng. Chủ nghĩa khủng bố chưa có dấu hiệu cho thấy đã được kiểm soát.
Bằng chứng là nước Nga vẫn liên tiếp hứng chịu các vụ khủng bố đẫm máu ngay tại đầu não kinh tế và chính trị Matxcơva. Những vụ này cũng đều được cho là có nguồn gốc từ nhóm chiến binh đòi ly khai tại Chechnya. Điều này dẫn đến nhận định có thể Điện Kremlin sẽ quay lại biện pháp cứng rắn trước đây khi giải quyết vấn đề Bắc Kavkaz.
Sự thay đổi an ninh tại Nga sau vụ đánh bom đã được Tổng thống Medvedev cụ thể hoá từ việc áp dụng các biện pháp an ninh gắt gao cho các sân bay giống như ở Israel, nước luôn đối mặt với mối đe doạ từ chiến binh Hồi giáo. Ông chủ Điện Kremlin cũng nhận định nước Nga đang bị chủ nghĩ khủng bố đe doạ với mức độ còn cao hơn Mỹ.