Thu cổ tức của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được coi là mũi tên trúng nhiều đích. Không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thực thi đổi mới cơ chế quản lý DNNN, khắc phục thực trạng một nguồn lực rất lớn của Nhà nước đã để lại DN từ nhiều năm nhưng hiệu quả sử dụng thấp mà còn góp phần giảm áp lực bội chi ngân sách trong bối cảnh nguồn thu eo hẹp.
Trong những năm qua, mặc dù Nhà nước có vốn góp vào sản xuất, kinh doanh, song chưa thu vào ngân sách nhà nước cổ tức và lợi nhuận được chia mà dành để cho các DN nhà nước tăng vốn chủ sở hữu và đầu tư phát triển.
|
Tuy nhiên, làm thế nào thu đúng, thu đủ vẫn đòi hỏi một giải pháp mang tính tổng thể trong đó đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN là trọng tâm.
Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 vừa được QH thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu đã xác định, sẽ thực hiện thực hiện thu ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các Cty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu; đồng thời, thu từ phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, TCty do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ hướng dẫn cơ chế thu, phân bổ và quản lý sử dụng có hiệu quả; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thu vào ngân sách nhà nước cổ tức của Nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Ông Hà Sỹ Đồng - Ủy viên UB tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Trung ương, tính đến hết năm 2012, tổng vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, TCty Nhà nước là 735.293 tỉ đồng. Nếu Nhà nước chỉ cần thu 10% cổ tức hàng năm từ nguồn này thì trung bình hàng năm ngân sách cũng có thêm được 7.352 tỉ đồng. Tất nhiên không phải đồng vốn nào của Nhà nước để lại DN cũng sinh lời, nhất là với năng lực quản trị kinh doanh của khối lãnh đạo DNNN và việc không gây áp lực về hiệu quả sử dụng vốn cũng khiến cho tỷ suất sinh lời/đồng vốn của khối này không đồng đều, thậm chí nhiều nơi thua lỗ lớn. Song đó là do Nhà nước không đặt vấn đề thu cổ tức và lợi nhuận về ngân sách mà để hết lại cho DN làm nguồn lực tái đầu tư, nên càng không tính được một cách rạch ròi thực chất các hiệu quả đồng vốn ấy ra sao. |
Thực ra không phải đến lúc này vấn đề thu cổ tức tại các DNNN mới được nhắc đến. Tháng 4/2012, trong một văn bản gửi Bộ Tài chính và Chính phủ Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã kiến nghị đề xuất giải pháp chuyển đổi nhanh toàn bộ khối DNNN thành Cty cổ phần, mà mục đích chính là buộc các doanh nghiệp này phải thực hiện nghĩa vụ nộp cổ tức cho Nhà nước.
Việc thực hiện nộp cổ tức cho nhà nước rõ ràng sẽ tạo ra áp lực rất lới cho khối DNNN trong bối cảnh hiện nay. Có lẽ vì vậy, ngay từ khi thảo luận về dự thảo nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 (điều 2, khoản 4 về việc cho phép Chính phủ thu cổ tức tại các DN Nhà nước) ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong vai đại biểu Quốc hội đã phải thừa nhận: Thu cổ tức sẽ làm cho vấn đề phát triển của các tập đoàn, TCty DN nhà nước chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn... Với dự kiến bình quân lãi suất lợi nhuận hàng năm để lại thì chưa đáp ứng được 10%, bây giờ Chính phủ lại thu lại thì tiếp theo ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các dự án đã được Chính phủ phê duyệt, thực hiện đúng tiến độ.
Một câu hỏi được đặt ra là với việc thu cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của DNNN sẽ mang về bao nhiêu? Con số dự kiến của Chính phủ là 9.500 tỷ đồng nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, nguồn thu này không lớn do nhà nước chỉ thu cổ tức từ các DN do bộ, ngành, địa phương quản lý mà không thu cổ tức từ các tập đoàn, TCty. Đó là chưa kể nền kinh tế vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, theo Thông tư 64 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận sau thuế và quản lý các quỹ trong DNNN, thì lợi nhuận của DNNN còn phải để bù các khoản lỗ những năm trước không được trừ vào lợi nhuận trước thuế, nộp tiền thu sử dụng vốn ngân sách theo quy định, trả tiền phạt vi phạm pháp luật thuế, luật giao thông, môi trường... Chưa kể, DNNN đã cổ phần hóa còn phải chia lãi cho đối tác, trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính, tối thiếu 50% vào quỹ đầu tư phát triển, 5% vào quỹ dự phòng rủi ro mất việc, chia lãi trong trường hợp phát hành cổ phiếu...
Con số chính thức có thể sẽ phải đợi kết thúc năm 2014 và khi đó hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước sẽ được đánh giá cụ thể hơn nhưng thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 phần nào thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đổi mới cơ chế quản lý DNNN. Tuy là ẩn số nhưng dù thế nào thì số thu về ngân sách từ cổ tức của DN có phần vốn góp của nhà nước sẽ góp phần giảm bội chi và giảm phát hành trái phiếu Chính phủ.
Bài toán khó
Thu cổ tức của Nhà nước tại DNNN nhưng làm thể nào để thu đúng, thu đủ và thu hiệu quả thực sự là bài toán không đơn giản. Bởi theo báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp nhà nước được Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội cho thấy tính đến cuối năm 2012 có tổng số 846 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cho thấy, tổng tài sản DN nhà nước đang nắm giữ là gần 2,6 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1 triệu tỉ, doanh thu đạt hơn 1,7 triệu tỉ, lợi nhuận trước thuế gần 167.000 tỉ và nộp ngân sách hơn 221.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, chỉ riêng 127 tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước, Cty mẹ - Cty con đã có số nợ phải trả lên đến hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 6% so với năm 2011. Con số nợ này xấp xỉ 50% GDP của VN năm 2012, bằng 78,9% doanh thu cả năm 2012 (doanh thu năm 2012 là 1.709.171 tỉ đồng); vượt 132% vốn chủ sở hữu (1.019.578 tỉ đồng) và chiếm già nửa so với tổng tài sản 2.569.433 tỉ đồng.
Tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra cách đây không lâu ông Seck Yee Chung - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore cho rằng: Dường như ở VN chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa các DNNN được thành lập với những mục tiêu thương mại với mục đích tìm kiếm lợi nhuận với DNNN phi thương mại được thành lập để thực hiện những nhiệm vụ xã hội, bảo đảm quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng cơ bản. Một trong những lý do khiến một số DNNN phi thương mại hoạt động kém hiệu quả là vì những DN này phát sinh lỗ từ những hoạt động đầu tư ngoài nhiệm vụ chính. Để thực hiện, khuyến khích tăng trưởng kinh tế lành mạnh, các DNNN phải tuân thủ các quy luật thị trường và phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước. Là người hoạch định chính sách, Chính phủ phải điều tiết thị trường theo hướng không phân biệt đối xử giữa DNNN và tư nhân. Là chủ sở hữu DN, Chính phủ phải bảo đảm DNNN hoạt động hiệu quả, bền vững, và để làm điều đó đòi hỏi phải có cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch.
Trong phát biểu của mình tại VBF, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ VN trong vấn đề cải cách DNNN, theo đó đến năm 2015, VN sẽ chỉ còn 600 DNNN và tiếp tục xuống còn 300 DN vào 2020 theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Có thể coi đây là một cam kết mạnh mẽ từ phía chính phủ. Chắc chắn khi đó cổ tức vốn của nhà nước tại các DNNN sẽ không còn là ẩn số!
Kinh nghiệm quốc tế
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng toàn bộ cổ tức được chia tại Cty cổ phần có vốn nhà nước phải nộp cho ngân sách nhà nước. Chẳng hạn như Thái Lan, hiện Chính phủ chỉ nắm giữ 51% cổ phần tại vài chục DN lớn nhưng hàng năm tiền cổ tức chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước.
Còn tại Trung Quốc, năm 1997, Hội nghị Trung ương 4 khóa XV của Đảng CS Trung Quốc đã đưa ra những luận điểm mới về cải cách thể chế kinh tế, đồng thời đề cập đến một số vấn đề như: Quyền tài sản DN, quản lý điều hành DN, cổ phần hoá... Đối với các DN bắt đầu tiến hành CPH, Chính phủ Trung Quốc thực hiện một số biện pháp hữu hiệu như: Khuyến khích sáp nhập tài sản, quy phạm hóa việc phá sản, thực hiện chuyển nợ thành cổ phần, trợ giúp các DN cải tạo kỹ thuật, mở rộng quy hoạch vốn, giải quyết vấn đề thất nghiệp cho người lao động. Đối với các DN đã CPH, Chính phủ đã tạo điều kiện cho hưởng một số ưu đãi như: Thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt được giảm thuế trong những năm đầu hoạt động. Đối với những doanh nghiệp sau khi CPH mà đạt thành tích cao trong sản xuất-kinh doanh, thì sẽ được tạo điều kiện thuận lợi tham gia vào thị trường chứng khoán, được hưởng ưu đãi về tài chính như dành 10% cổ phần DN để thưởng bằng cổ phiếu cho các cán bộ lãnh đạo và CNVC của DN…
Có thể nói, mục đích căn bản của việc thực hiện chế độ cổ phần ở Trung Quốc là thay đổi chế độ sở hữu tài sản mà ở đó trước đây, Nhà nước luôn giữ vai trò độc quyền, để hình thành nên kết cấu đa dạng về quyền sở hữu tài sản trong nội bộ DN, tối ưu hóa kết cấu quản trị doanh nghiệp. Đây là lợi ích căn bản và lâu dài nhất của việc cổ phần hóa các DNNN ở Trung Quốc. |