KTĐT - Chạp, gió chướng (gió bấc) về, ông nội tôi khoác thêm tấm áo ấm, bên tách trà, ông tôi lẩm bẩm như tự nói với chính mình: Thế là lại sắp thêm một cái Tết!.
Tháng này, ngày ngắn đêm dài, hồi nhỏ, đêm đêm tôi hay nằm áp tai xuống gường nghe râm ran tiếng sóng dội lên từ lòng đất. Tôi hỏi ba tôi tiếng đó là tiếng gì, ông bảo đó là tiếng sóng bổ gành, còn bổ gành là gì thì ba tôi cũng chịu. Lớn thêm một chút, tôi ra bãi ngao (ven biển Ba Tri) hỏi đám bạn làm nghề sông nước, chúng cũng ngơ ngác lắc đầu, chúng bảo cũng như tôi đêm nào cũng nghe tiếng sóng ấy, dù mùa này mặt biển luôn lặng ngắt như tờ. Tôi đành rút ra kết luận cho riêng mình: Cứ đến mùa gió chướng, nghe sóng bổ gành ấy là mùa Tết.
Mùa Tết, miệt vườn quê tôi bỗng chộn rộn hẳn ra. Từ đầu tháng má tôi đã chọn sẵn gạo nếp để chuẩn bị cho bánh phồng, bánh tét.
Giữa tháng Chạp, nửa đêm về sáng khi tiếng sóng bổ gành vẫn ầm ào, má tôi đã trở dậy nhóm bếp đồ xôi, xôi chín được đổ vào cối, bên cạnh là thau nước cốt dừa. Đến lúc này má lên nhà đánh thức chúng tôi, các chị tôi đứng chày, còn má tôi ngồi xổm bên cối luôn tay trở bánh, khi nếp đã mịn thì cán mỏng đem phơi…
Lốc cốc, tiếng chày quết bánh vang lên khắp làng trên, xóm dưới. Sau này đi xa, nhưng mỗi khi Xuân về Tết đến, là trong tôi vẫn nghe vọng lên tiếng chày quết bánh nơi quê nhà từ thuở ấu thơ.
Quê tôi, miệt vườn, bạt ngàn dừa, chuối nên cũng nổi tiếng với hai thứ đặc sản mứt này. Chuối sứ vừa chín tới, ép dẹp từng trái rồi đem phơi, phơi độ chừng năm bảy nắng là được, từng trái chuối khô được xắt sợi. Gừng già cạo vỏ ngâm nước một đêm, vớt ra để ráo nước rồi cũng xắt mỏng. Bắc chảo lên bếp tùy theo lượng gừng và chuối mà đổ vào chảo lượng nước và đường cho thích hợp, đun đến khi xền xệt nước thì đổ chuối lẫn gừng thêm vài muỗng nước cốt dừa vào xên, để lửa diu diu các má luôn tay ngào trộn cho đến khi sợi mứt vàng sậm lại, khô rong, ngào ngạt thơm suốt ba ngày Tết…
Nhưng vui nhất là khoảng hai tám, hai chín Tết- ngày má tôi gói bánh tét. Trước đó, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá dong… đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bà Hai, mợ Bảy, dì Tư xóm giềng ào sang làm giúp, các bà, các má tay gói miệng cười, râm ran trò chuyện thế mà đòn bánh nào cũng tăm tắp đều nhau, lũ con nít chúng tôi thì chạy nhảy xung quanh, nô đùa ầm ĩ.
Trong lúc cánh phụ nữ gói bánh thì ông nội, ba tôi và anh Hai lo sửa soạn bàn thờ gia tiên, bộ lư đồng được đánh bóng loáng, bông, trái cây, đèn nến… được trưng dọn đã đâu vào đấy. Ngày ấy, quê tôi đâu đã có điện, nhưng những ngọn đèn dầu cũng đủ sáng rỡ sắc xuân.
Buổi tối, thùng bánh được bắc lên mấy viên gạch ba tôi đã kê sẵn ở góc sân, dưới những tán dừa xào xạc. Lúc này, anh em, con cháu trong nhà dù suốt năm đi làm ăn xa ở tận đẩu tận đâu cũng đã về đông đủ, mọi người trải chiếu quanh bếp lửa hồng canh bánh. Cánh đàn ông ngồi nhậu lai rai, bà nội, má tôi, các thím, các chị cũngtranh thủ tận hưởng những phút giây xum vầy trong ngày cận Tết. Ai cũng nói nói cười cười, ánh lửa bập bùng trên những gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Còn lũ trẻ chúng tôi háo hức đợi để được ưu tiên nếm trước những chiếc bánh con con, những miếng bánh ngon nhất trên đời của chúng tôi thời thơ ấu.
Ba mươi Tết rước ông bà, trước đó từ Rằm tháng Chạp ba tôi cùng các chú các bác trong họ mang hương hoa, đèn nến ra nghĩa trang dòng họ rẫy cỏ đắp đất, sửa sang mồ mả. Trưa Ba mươi và đêm Giao thừa, ông nội tôi trong bộ khăn đóng áo dài, nghiêm trang khấn vái trước bàn thờ gia tiên với cỗ bàn và đèn nhang nghi ngút, khấn thỉnh tổ tiên về ăn Tết và phù hộ cho con cháu một năm mới may mắn, hanh thông.
Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy. Đó là tục lệ ở quê tôi. Sáng mồng Một, lũ trẻ chúng tôi xúng xính trong những bộ đồ mới. lễ phép, thành kính khoanh tay chúc Tết ông bà, cha mẹ… và hớn hở nhận những phong bao lì xì từ người lớn ban cho. Trong ngày này, Tết chỉ gói gọn trong nhà, từ mồng Hai trở đi bà con lối xóm mới bắt đầu đến nhà nhau chúc Tết.
Mồng Hai, ba má dẫn chúng tôi về bên ngoại. Trọn ngày này chúng tôi đi chúc khắp họ hàng và ăn Tết cùng ông bà ngoại ở làng bên.
Chiều mồng Ba, ông nội tôi trịnh trọng trong bộ khăn đóng áo dài, đưa chúng tôi tới nhà cụ đồ duy nhất ở trong làng, nơi hầu như đứa trẻ nào trong vùng này cũng trải qua những bài học vỡ lòng đầu tiên từ cụ. Cụ đồ xoa đầu chúng tôi, chúc lũ trẻ mau ăn chóng lớn. học hành giỏi giang để mai này trở thành những người hữu ích cho đời.