Cuối tuần qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể đánh giá công tác của ngành kiểm sát, tòa án và công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, thi hành án năm 2014. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn trước việc án tham nhũng giảm so với trước là do tham nhũng giảm hay khả năng phát hiện của cơ quan chức năng yếu. Theo thống kê, trong năm 2014 (tính đến thời điểm báo cáo), số vụ án tham nhũng giảm 0,4% về số vụ và 7,01% về số bị can so với cùng kỳ năm trước. Nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề: Việc giảm này do khả năng đấu tranh yếu kém hay thực tế giảm? Trung tướng Trần Trọng Lượng -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) khẳng định: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo rất sát vấn đề này nên các cơ quan quyết tâm rất cao, tỷ lệ án tham nhũng đã giảm trên thực tế. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng thừa nhận, việc tội phạm tham nhũng trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn cũng là một nguyên nhân dẫn đến số vụ án và bị can giảm. Chủ thể đặc biệt có chức vụ, quyền hạn gây khó khăn cho công tác điều tra, số người tố giác không nhiều mà thậm chí còn tiếp tay. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cũng cho biết thêm: Về án tham nhũng, Viện đã quán triệt làm rất chặt, án treo đã giảm 0,9%. Điểm nghẽn quan trọng nhất là nguồn tin báo tố giác được xác minh, xử lý như thế nào… Trước những ý kiến cho rằng việc xử lý tin báo tố giác tội phạm còn nhiều bất cập, Trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết, theo Thông tư 06/2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ Công an đã quy định giao cho công an cấp xã, phường, đồn, trạm… tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm. "Nếu chấp hành đúng thông tư này thì không có việc bỏ sót tin tố giác. Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng quy chế quản lý tin báo tố giác, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội". Liên quan đến vấn đề án dân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề cập, con số tính đến ngày 31/7 đã có 87 cán bộ thi hành án dân sự bị kỷ luật, tăng 43 trường hợp so với cùng kỳ. Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, gần đây, bình quân mỗi năm có trên dưới 100 cán bộ thi hành án dân sự vi phạm pháp luật, đây là việc không bình thường và đề nghị Bộ Tư pháp phải kiểm tra rà soát chất lượng cán bộ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhận định: Không chỉ là thái độ mà còn là vi phạm pháp luật. Những tiêu cực trong hệ thống cần phải được kiểm tra, đánh giá và có giải pháp để hạn chế. Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho biết, Bộ nhìn nhận vấn đề này rất nghiêm túc và đã chuẩn bị đề án phòng chống tiêu cực trình cơ quan chức năng xem xét. Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, trong 2 năm gần đây đã kỷ luật 15 - 16 lãnh đạo các chi cục tiêu cực, vi phạm đạo đức lối sống. Ngoài nguyên nhân lượng án tăng cao (năm 2014, giá trị thi hành án khoảng 100.000 tỷ đồng, trong khi cả nước chỉ có 10.000 cán bộ thi hành án dân sự) còn do năng lực, trình độ của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Giải đáp cho lo ngại của một số ĐB về tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là tại các TP lớn, Trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết, Bộ Công an nắm rõ điều này và đã xác định 18 địa bàn trọng điểm, liên tục mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm. Từ đó các băng nhóm đỡ lộng hành, riêng về tội phạm có tổ chức ở Quảng Ninh giảm 30%, Hải Phòng giảm 8%.