An toàn đê điều - nỗi lo trước mùa mưa bão

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã được TP quan tâm, chú trọng đầu tư để đảm bảo đủ khả năng ứng phó với bão lũ, song thực tế, hạ tầng về PCLB tại một số địa phương hiện vẫn còn những hạn chế nhất định.

Bài 3:Chủ động các phương án phòng chống

 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, xu hướng thời tiết năm 2014 và những năm tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Hà Nội vẫn là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ mưa bão. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) đã được các cấp, ban, ngành tập trung chỉ đạo, với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trước mùa mưa bão. 

Tập trung xử lý các công trình cấp bách

Theo ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều&PCLB (Sở NN&PTNT Hà Nội), dù tình hình kinh tế năm 2014 khó khăn, ảnh hưởng tới nguồn kinh phí đầu tư cho công tác duy tu, cải tạo đê điều nhưng không vì thế mà việc nâng cấp các công trình đê điều, PCLB trên địa bàn TP không được quan tâm. Hiện, TP đã dừng đầu tư cho các công trình nhỏ lẻ và quan tâm, đầu tư cho các công trình chống sạt lở trọng điểm, với tổng số vốn trên 100 tỷ đồng. Theo đó, một số công trình chống sạt lở đã cơ bản được hoàn thành như kè đê Hữu Hồng (huyện Đan Phượng); kè Yên Viên (huyện Gia Lâm); một số kè ven sông Đáy, ven sông Cà Lồ, sông Cầu đoạn qua các xã thuộc vùng trũng của huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thanh Oai…

Đoạn đê qua địa phận thôn Đôn Thư, xã Kim Thư (Thanh Oai) mới được Sở NN&PTNT cắm biển cảnh báo. 	Ảnh: Bình Minh
Đoạn đê qua địa phận thôn Đôn Thư, xã Kim Thư (Thanh Oai) mới được Sở NN&PTNT cắm biển cảnh báo. Ảnh: Bình Minh

 Từ đầu năm 2014 đến nay, TP cũng đã tổ chức triển khai 3 đợt tu bổ đê kè. Trong đó, đợt 1, thực hiện kè đê Hữu Hồng, Yên Viên, Tòng Bạt đã cơ bản hoàn thành. Đợt 2, thực hiện tu bổ nứt mặt đê Vân Canh, đê tả Đáy ở Phương Trung, Kim Thư, Yên Nghĩa dự kiến xong trước ngày 20/7. Đợt 3, TP đang chỉ đạo Sở NN&PTNT và các sở, ban, ngành liên quan rà soát, đánh giá nguyên nhân và xây dựng phương án xử lý sự cố lún sụt mặt đê tả Đuống đoạn qua xã Xuân Canh (huyện Đông Anh); sạt lở bờ sông Đáy đoạn qua thôn Đôn Thư, xã Kim Thư và thôn Tây Sơn, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai); sạt lở bờ sông Đáy từ xã Phúc Lâm đi xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) báo cáo lên TP ngay trong tháng 5 này.

Được sự quan tâm sát sao của Thành ủy, UBND TP, công tác tu bổ đê điều được tiến hành thường xuyên. Nhờ đó, hệ thống đê điều của TP vẫn đảm bảo chống lũ theo đúng thiết kế. Hàng năm, tổng vốn đầu tư cho cải tạo hệ thống đê điều trên địa bàn TP từ các nguồn đạt 200 - 300 tỷ đồng, có năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, trung bình ngân sách TP dành chi khoảng 30 - 50 tỷ đồng mỗi năm cho công tác PCLB. Riêng năm 2014, tổng số kinh phí TP ủy thác thông qua Chi cục Đê điều&PCLB lên tới 90 tỷ đồng. Chủ động với “4 tại chỗ”

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy PCLB TP, năm 2013 có 45 sự cố xảy ra trên các tuyến đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Đáy, sông Cầu. Trong đó, có 23 sự cố vỡ đê, 14 sự cố sạt lở bãi sông, 5 sự cố về kè, 1 sự cố về cống, 1 sự cố đùn sủi giếng khoan và 1 sự cố ngập nước đường hành lang chân đê. Do đó, ngay trước mùa mưa bão năm 2014, UBND TP đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND về công tác PCLB. Theo đó, yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn TP, UBND 30 quận, huyện, thị xã tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt bão năm 2013. Đồng thời, rà soát và xây dựng kế hoạch các phương án ứng phó với nguy cơ bão lũ có thể xảy ra trong năm 2014. Trong văn bản chỉ đạo, UBND TP yêu cầu các địa phương chủ động bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện đảm bảo thực hiện phương án phòng chống thiên tai, lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; Phương tiện vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ; Lực lượng tại chỗ) đi đôi với "Hai kết hợp" (Hiện đại với thô sơ; Nhà nước và Nhân dân cùng làm).

Tại huyện Mỹ Đức, cùng với việc thành lập Ban Chỉ huy PCLB, úng ngập và tìm kiếm cứu nạn, huyện đã thành lập 6 tiểu ban với nhiệm vụ cụ thể; thành lập 5 cụm chiến đấu bảo vệ công trình trọng điểm; lực lượng tuần tra canh gác đê; lực lượng xung kích và chuẩn bị các phương tiện, vật tư dự phòng tại các khu vực trọng điểm: 3.760 cây tre, 21.650kg rơm rạ, 31.250 bao tải, 10.980m3 đất dự trữ... Tại các xã thuộc huyện Sóc Sơn, công tác PCLB theo phương châm “4 tại chỗ” cũng rất được chú trọng. Ông Nguyễn Viết Lãng - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Long (huyện Sóc Sơn) cho biết, UBND xã đã cho thành lập lực lượng tuần tra canh gác đê thuộc 3 điếm canh đê: Tiên Tảo, Lương Phúc và Tăng Long, mỗi điếm có 18 người nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống xấu có thể xảy ra. Ngoài số vật tư cát, đất, đá, rơm rạ… mà huyện đã chuẩn bị, Ban Chỉ huy PCLB các xã cũng chuẩn bị thêm các vật tư, bố trí ở các thôn có tuyến đê chạy qua tại những địa điểm thuận lợi để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Việc chuẩn bị tốt các phương án PCLB theo phương châm "4 tại chỗ" cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cán bộ và Nhân dân các xã thuộc huyện Thanh Oai đặc biệt lưu tâm. Ông Phạm Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung cho biết, ngay khi có chỉ đạo từ TP, xã đã thành lập Ban Chỉ huy PCLB với phương châm sử dụng nhân lực tại chỗ và tận dụng mọi khả năng, nguồn lực sẵn có tại địa phương: huy động 160 người tập trung cho công tác phân lũ, 24 người túc trực tại các điếm canh thôn Chung Chính và Liên Tân, chuẩn bị trên 100 phương tiện vận tải, 4.000 bao tải cùng nhiều trang thiết bị, vật tư khác.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và tích cực của tất cả các cấp, ban, ngành liên quan từ T.Ư đến TP, hy vọng rằng, công tác PCLB năm 2014 sẽ phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Quan trọng hơn là để người dân Thủ đô không phải nơm nớp nỗi lo khi mùa mưa bão tới gần.

 
Mặc dù đã được TP quan tâm, chú trọng đầu tư để đảm bảo đủ khả năng ứng phó với bão lũ, song thực tế, hạ tầng về PCLB tại một số địa phương hiện vẫn còn những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, nhận thức của một số đơn vị còn chủ quan, dẫn tới buông lỏng quản lý và công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Cùng với đó là sự hiệp đồng chưa cao của các sở, ban, ngành liên quan... Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo các địạ phương chủ động các phương án PCLB trên quan điểm lấy phương châm "4 tại chỗ" là trọng tâm. Bên cạnh đó, những bất cập trong quản lý, điều hành cũng sẽ sớm được khắc phục.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần