Đối với trẻ em, cần ăn sáng đủ dinh dưỡng, hạn chế đồ uống lạnh và kem, vì nếu uống nhiều đồ uống lạnh và kem sẽ khiến nồng độ glucose tăng cao, có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống bình thường của trẻ. Hãy cho trẻ ăn nhiều hơn ngày thường với nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như rau bí, rau rền và bổ sung thêm những bữa ăn phụ bổ mát như chè hạt sen, chè bí đỏ, khoai lang… Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thêm từ một đến hai hộp sữa chua mỗi ngày để giúp tiêu hóa tốt. Khi chế biến thức ăn vào mùa nóng nên giảm lượng chất béo, hạn chế nấu các món xào, rán, nên ăn các món luộc như: Thịt, cá, đậu luộc hay thịt, tôm rim ăn cùng các món canh rau.
Đặc biệt, thời tiết nắng nóng cũng khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, vi khuẩn phát triển, nếu ăn uống không đảm bảo an toàn thực phẩm dễ gây ngộ độc. Để phòng tránh ngộ độc, cần thực hiện tốt một số biện pháp như chọn mua thực phẩm còn tươi sống, nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm đóng chai, đóng gói đã hết hạn sử dụng; không ăn thức ăn lạ; phải nấu chín các loại thức ăn ở nhiệt độ thích hợp. Những thực phẩm chưa dùng ngay cần được bảo quản đúng cách trong tủ lạnh. Phải rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn.