[Ảnh] Chuyện người giữ lửa nghề rèn trong những ngày nắng nóng tại Hà Nội

Ngọc Tú - Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng được biết đến là con phố chuyên cung ứng các sản phẩm rèn kim khí có chất lượng cao của Hà Nội, nay phố Lò Rèn chỉ còn duy nhất một cửa hàng giữ được lửa.

Nằm bên góc phố Hàng Đồng - Lò Rèn (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm), không khó để hình ảnh một người đàn ông chừng 60 tuổi vẫn miệt mài tay đe, tay búa ngồi trước bễ lò rực lửa, hoa lửa bốc lên đỏ hừng hực một góc phố.
Qua tìm hiểu, đây là nhà của ông Nguyễn Văn Hùng - người đang lưu giữ lại nghề rèn truyền thống của cha ông để lại 
Không khó để nhận ra, nghề rèn suốt ngày với muội than, dầu mỡ và bán sức mưu sinh bằng những quai búa nặng trĩu.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hùng cho biết, cửa hàng này do ông nội truyền lại cho bố ông và giờ là đến lượt ông tiếp quản.
''Ông nội tôi ''gánh'' cái nghề nặng nhọc này từ làng rèn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ra lập nghiệp ở phố Lò Rèn'' - ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, từ thời xưa cửa hàng của gia đình ông nằm trên con phố chỉ độ vài trăm mét mà có hàng chục lò rèn thủ công, cả phố làm nghề. Phố Lò Rèn sống trong thời kỳ hưng thịnh, quanh năm suốt tháng đỏ lửa cùng tiếng búa, tiếng đe chan chát.
Dù thời tiết nắng hay mưa, bếp lửa vẫn luôn rực cháy. Hiện nay, mặt hàng được ông làm nhiều là các mũi đục bê tông.
Theo chủ cửa hàng, vật dụng quan trọng nhất của nghề rèn chính là đe, búa... Điều đặc biệt, cả con phố Lò Rèn, giờ đây chỉ còn duy nhất ông Hùng bám trụ nghề
''Tôi làm không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn muốn ''giữ lửa'' cho cả con phố Lò Rèn. Còn tên phố thì tôi còn làm nghề. Tôi sẽ theo nghề đến hơi thở cuối cùng. Tôi tự hào về điều đó, dù cái nghề này có vất vả, khổ cực. Song quan trọng nhất là, bản thân tôi được sống với chính đam mê của mình'' - ông Hùng tâm tư.
 
 
Những sản phẩm do cửa hàng của ông Hùng làm ra mỗi ngày. Bao năm qua, ông Hùng chưa tìm được một người học trò nào tâm huyết với việc làm này để truyền lại những kinh nghiệm quý báu đúc kết qua năm tháng.
''Cũng có nhiều người đến xin học, những chỉ được dăm bữa là bỏ. Giờ tôi cũng 60 tuổi, chắc cũng không thể theo lâu được nữa. Đến khi tôi dừng búa, buông đe thì tên nghề chỉ còn là... tên một con phố'' - ông Hùng chia sẻ.