Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Anh - Pháp căng thẳng vì kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong lúc lo ngại về tài chính của châu Âu lên cao, xích mích trong quan hệ giữa Anh và Pháp càng thấy rõ qua những lời qua tiếng lại về chuyện kinh tế nước nào tệ hại hơn.

Kinh tế tăng trưởng chậm và nợ nần chồng chất làm cho quan hệ giữa các nước châu Âu căng thẳng trong năm nay, đưa đến những lý lẽ rằng châu Âu hoặc phải ràng buộc với nhau chặt chẽ hơn nữa về tài chính và kinh tế, hoặc sẽ phải đối mặt ít nhất là viễn ảnh khối đồng Euro có thể tan rã. Anh, một nước không thuộc khối đồng Euro, khẳng định rõ, họ sẽ không tham gia hiệp định tài chính mới do Đức và Pháp đề xướng.

Điều này khiến cho quan hệ với nước Pháp căng thẳng. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên đài phát thanh, Bộ trưởng Tài chính Pháp Baroin bác bỏ bất cứ "lời dạy dỗ" nào từ London. Ông nói kinh tế nước Anh rất đáng lo ngại, và ông nói thêm "chẳng thà như dân Pháp hiện nay còn hơn là dân Anh".

Nước Anh ngay lập tức đã bác bỏ những lời nhận định từ nước Pháp. Nhưng theo giáo sư Tomasz Michalski dạy tại trường doanh nghiệp HEC ở Paris, điều căn bản là cả nước Anh lẫn nước Pháp đều phải lo ngại. Ông nói: "Nhìn vào những số liệu kinh tế của cả Anh lẫn Pháp thì thấy họ không khá gì mấy. Tỉ lệ nợ nần so với GDP của họ rất cao, nước Pháp vào khoảng 90%; nước Anh khoảng 80%. Cả hai đều có nguy cơ suy thoái kinh tế, và vì vậy viễn ảnh cả hai quốc gia đều mang công mắc nợ thêm trong tương lai vẫn rất lớn".

Trong khi đó, các cơ quan đánh giá tín nhiệm tài chính, kể cả công ty Fitch, ngày 19/12 vừa qua đã cảnh báo Pháp rằng nước này đang có nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm. Đây sẽ là một đòn nặng cho cuộc vận động tái tranh cử Tổng thống của ông Nicolas Sarkozy.

Và thực sự, triển vọng của châu Âu, nói chung, khá u ám. Trong một bản báo cáo được công bố hôm 20/12, Ngân hàng T.Ư châu Âu tiên đoán kinh tế sẽ rất khó khăn trong năm 2012 với mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn và thiếu nguồn tài chính cho ngân hàng.

Các Bộ trưởng Tài chính châu Âu đồng ý châm 196 tỉ USD vào Quĩ Tiền tệ Quốc tế để giúp vực dậy những quốc gia trong khối đồng Euro đang phải vất vả chống đỡ. Nhưng con số này chưa lên tới mức 261 tỉ USD mà giới lãnh đạo châu Âu đã đồng ý trước đó. Chính phủ Anh đã từ chối không đóng góp vào quĩ này.