Kinhtedothi - Cuối tuần qua, cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước thuộc Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Pháp, Đức) tại Paris đã đạt được thỏa thuận giải trừ các vũ khí hạng nhẹ tại chiến trường miền Đông Ukraine, hứa hẹn một bước tiến mới trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.
Trước cuộc họp thượng đỉnh này, nhiều ý kiến lo ngại rằng, tình hình rối ren tại Syria sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả cuộc họp khi cả phương Tây và Nga đều tham gia chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại quốc gia này. Tuy nhiên, trái với các lo ngại, giới chức cấp cao 4 nước đều cảm thấy hài lòng sau cuộc họp.
Sau cuộc hội kiến hiếm hoi giữa lãnh đạo cấp cao Nga, Ukraine, Pháp, Đức, cách tiếp cận hồ sơ Ukraine đã có những bước tiến quan trọng khi các bên cùng chung quan điểm về việc gia hạn cho Thỏa thuận Minsk và tiến hành giải trừ vũ khí hạng nhẹ tại chiến trường miền Đông. Đặc biệt, sau 5 giờ bàn thảo, lãnh đạo các nước đã nhất trí hoãn cuộc bầu cử địa phương, vốn được dự kiến tổ chức vào ngày 18/10 để xây dựng và thông qua luật bầu cử với các điều khoản phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định con đường thực hiện Thỏa thuận Minsk sẽ còn nhiều gian nan nhưng việc các bên ngồi lại với nhau và thảo luận chi tiết đã là một kết quả tích cực. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cũng nhận định, việc bắt đầu giải trừ vũ khí là một bước phát triển tích cực trong tiến trình hòa bình tại Ukraine. Trong thời gian tới, lãnh đạo các nước cũng kêu gọi một tiến trình tương tự đối với các vũ khí hạng nặng.
Một ngày sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ Normandy tại Paris (Pháp), các bên xung đột tại Ukraine gồm chính quyền Kiev, CHND tự xưng Donetsk và CHND Lugansk đã bắt đầu rút vũ khí hạng nhẹ. Dưới sự giám sát của phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), các lực lượng tại Lugansk đã rút 50 xe tăng khỏi đường ranh giới với khu vực do Kiev kiểm soát. Về phía Kiev, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Andriy Lysenco cho biết mọi công tác rút vũ khí đã được tiến hành từ chiều ngày 3/10.
Mặc dù đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trên cả bàn đàm phán lẫn thực địa nhưng lãnh đạo các nước còn rất nhiều việc phải làm khi kết quả cuộc bầu cử tại khu vực miền Đông Ukraine vẫn còn là ẩn số. Lực lượng ly khai hiện muốn tiến hành cuộc bầu cử địa phương với các điều khoản riêng và vào thời điểm khác so với các vùng còn lại của Ukraine trong khi Tổng thống Poroshenko cảnh báo, nếu lực lượng đối lập từ chối hoãn tổ chức bầu cử, các biện pháp trừng phạt sẽ được tăng cường. Tuy nhiên, tín hiệu từ cuộc họp thượng đỉnh tại Paris vừa qua cho thấy, các bên đang tiến gần đến một thỏa ước hòa bình hơn bao giờ hết, nhằm khép lại cuộc xung đột kéo dài hơn 17 tháng qua, khiến hơn 8.000 người thiệt mạng.
Tổng thống Pháp Hollande và Tổng thống Nga Putin tại cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ Normandy.
|