Anh thiệt hại mỗi năm 43 tỷ USD vì tấn công mạng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5) ngày 10/4 đã cảnh báo các trường đại học ở nước này phải đề cao cảnh giác trong việc tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài với ý đồ đánh cắp tài sản trí tuệ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tổng Giám đốc MI5 Jonathan Evans đưa ra cảnh báo trên tại cuộc gặp với lãnh đạo các trường đại học ở "Xứ sở sương mù," trong bối cảnh Hiệp hội các trường đại học Anh (Univeristies UK) đang chuẩn bị công bố cẩm nang hướng dẫn các trường đại học về cách thức ngăn chặn những mối đe dọa qua mạng.
 
Các quan chức an ninh cho rằng các cuộc tấn công mạng, được cho là có sự bảo trợ của chính phủ một số nước nhằm đánh cắp những bí mật công nghiệp và thương mại, đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.
 
Theo ước tính của Văn phòng Nội các Anh, tội phạm mạng đã làm nước này thiệt hại tới 27 tỷ bảng mỗi năm (khoảng 43 tỷ USD). Các trường đại học, vốn là một phần quan trọng của hệ thống hạ tầng quốc gia, hiện đang trở thành mục tiêu của tội phạm mạng vì các máy chủ của các trường này có thể chứa những thông tin mới nhất về những dự án nghiên cứu hàng đầu thế giới.
 
Ông Eric Thomas, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Anh, cũng thừa nhận rằng các trường đại học và các viện nghiên cứu Anh hiện đang có nguy cơ bị tấn công mạng bởi vì những cơ sở này có nhiều tài sản trí tuệ mà nhiều người thèm muốn.
 
Theo ông Thomas, một trong những dự án được coi là mục tiêu tiềm năng của gián điệp mạng là chương trình phát triển vật liệu graphene của Trường Đại học Manchester, công trình đã giành được Giải Nobel Vật lý cách đây ba năm. Ngoài ra, còn có trung tâm máy tính lượng tử của Đại học Bristol, vốn đang đi đầu trong nỗ lực xây dựng một máy tính có thể vượt qua tốc độ và khả năng của các bộ xử lý trong máy tính sử dụng điện hiện nay.
 
Các chuyên gia cho biết mối đe dọa đối với các trường đại học thường xảy ra theo hai khả năng, là xâm nhập vào các hệ thống máy tính ở Anh và ăn cắp dữ liệu từ máy tính của các nhà nghiên cứu khi họ ra nước ngoài. Đứng trước nguy cơ đó, Hiệp hội các trường đại học Anh đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị đề bàn về vấn đề an ninh mạng.
 
An ninh mạng hiện là một trong những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của giới chức Anh. Trước đó, ngày 9/4, Ngoại trưởng William Hague đã tuyên bố Anh sẽ xây dựng Trung tâm An ninh mạng và Xây dựng năng lực toàn cầu (GCCSCB) để đảm bảo an ninh mạng và hỗ trợ các nước triển khai các kế hoạch toàn diện nhằm đối phó với những mối đe dọa qua Internet.
 
Đặt trụ sở tại Đại học Oxford, trung tâm này sẽ có nhiệm vụ đảm bảo rằng các nước có được những kỹ năng, nhân lực và công nghệ cần thiết để giải quyết các mối đe dọa liên quan đến an ninh mạng. Chính phủ Anh sẽ cấp cho trung tâm này 1 triệu bảng (khoảng 1,6 triệu USD) để làm kinh phí hoạt động trong vòng hai năm tới.
 
Hồi cuối tháng trước, Anh cũng đã công bố sáng kiến mang tên "Đối tác chia sẻ thông tin an ninh mạng" nhằm giúp chính phủ và các doanh nghiệp chia sẻ thông tin về các mối đe dọa qua Internet. Sáng kiến có sự đóng góp của các chuyên gia thuộc Sở Chỉ huy thông tin chính phủ Anh (GCHQ), MI5, cảnh sát và giới kinh doanh, nhằm phối hợp phản ứng tốt hơn trước các mối đe dọa an ninh mạng.
 
Theo sáng kiến này, một cổng thông tin điện tử an toàn sẽ được xây dựng, cho phép truy cập và chia sẻ thông tin tức thời, giống như một “Facebook an toàn.”
 
Khoảng 80 công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế-tài chính, quốc phòng, năng lượng, viễn thông và dược phẩm được khuyến khích chia sẻ thông tin. Chương trình thí điểm sẽ được mở rộng đến 160 công ty trên cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần