Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

AOL chấm dứt cuộc hôn nhân què quặt với Time Warner

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch cải tổ, AOL đã lôi kéo Tim Armstrong, Chủ tịch bộ phận Google tại Mỹ về làm CEO cho mình từ tháng 3 vừa rồi.

KTĐT - Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch cải tổ, AOL đã lôi kéo Tim Armstrong, Chủ tịch bộ phận Google tại Mỹ về làm CEO cho mình từ tháng 3 vừa rồi.

Một trong những vụ sáp nhập lớn nhất nhưng bất hạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ đã kết thúc sau khi Công ty AOL và đại gia truyền thông Time Warner quyết định đường ai nấy đi vào hôm qua 9/12.

Ngày 9/12, Công ty cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu American o­nline (AOL) đã hoàn tất quá trình tách khỏi hãng truyền thông khổng lồ Time Warner. Đây là sự kiện kết thúc cuộc hôn nhân què quặt giữa hai bên, vốn bắt đầu từ cách đây 10 năm.

Kể từ hôm nay 10/12 AOL bắt tay vào xây dựng cuộc sống tự lập. Cổ phiếu phổ thông của họ sẽ lên sàn chứng khoán New York trong ngày. Tuy dũng cảm chấp nhận dứt khoát đề làm lại từ đầu, AOL đang đối diện với một tương lai mờ mịt. Trong 9 tháng đầu năm 2009, AOL chỉ kiếm được 765 triệu USD lợi nhuận trong tổng số 2,4 tỷ USD doanh thu, giảm lần lượt 33% và 23% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch cải tổ, AOL đã lôi kéo Tim Armstrong, Chủ tịch bộ phận Google tại Mỹ về làm CEO cho mình từ tháng 3 vừa rồi. Ngay sau khi nhậm chức, Amstrong vạch ra đường hướng phát triển mới, tập trung vào 3 mảng nội dung, quảng cáo và truyền thông. CEO mới hy vọng doanh thu từ quảng cáo sẽ sớm tăng trưởng trở lại.

Bên cạnh đó, công ty này còn tuyên bố từ nay đến cuối năm sẽ mạnh tay sa thải một phần ba nhân lực, tương đương khoảng 2.300 người, nhằm tiết kiệm 300 triệu USD. Sau lần cắt giảm này, CNN cho biết số lượng nhân viên tại AOL sẽ chỉ còn khoảng 4.400, kém xa so với con số 19.000 hồi 2006, và bằng một phần tư nhân lực của Google.

AOL là công ty dịch vụ Internet với các mảng kinh doanh nội dung, truyền thông và quảng cáo qua mạng. Trong khi đó, Time Warner là hãng truyền thông quản lý cả một đế chế xuất bản tạp chí, âm nhạc, phim ảnh và sản xuất chương trình truyền hình.

Hồi 2001, khi quyết định sáp nhập lại với nhau, cả AOL và Time Warner đều tham vọng họ sẽ tạo ra một đế chế hùng mạnh về truyền thông tích hợp toàn bộ trong thế kỷ Internet.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, các nhà phân tích luôn xem cuộc "xe duyên" AOL - Time Warner, trị giá 360 tỷ USD, là một thất bại thảm hại. Vụ sáp nhập bất thành không chỉ do bong bóng dotcom bùng nổ, mà còn do cung cách quản lý yếu kém của cả hai bên.

Hồi 2001, AOL là một trong vài người tiên phong trong cuộc đua dotcom toàn cầu, với giá trị tương đương 165 tỷ USD. Ngày nay, AOL của năm 2009 chỉ còn được định giá vẻn vẹn 2,8 tỷ USD. Tương tự, nếu như hồi 2001 hãng Time Warner có giá 160 tỷ USD, thì nay teo tóp lại chỉ còn 36 tỷ USD, tờ Telegraph cho biết.