Áp lực cho chính sách tiền tệ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi bùng phát dịch nCoV, hoạt động kinh tế như du lịch, buôn bán giao thương gần như tê liệt, ngay cả các hoạt động thường nhật của người dân cũng bị xáo trộn. Đây sẽ là thách thức không nhỏ cho chính sách tiền tệ của Việt Nam trong việc ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng.

 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh PVCombank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Thách thức trong điều hành
Chính phủ mới đây không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, mà yêu cầu các cơ quan quản lý phải “phản ứng nhanh” về kinh tế, tăng cường sản xuất để bù đắp sự giảm sút do dịch bệnh. Vì vậy, áp lực của ngành ngân hàng là rất lớn, không chỉ trong việc giảm thiểu thiệt hại của DN và người dân trong bối cảnh phòng, chống dịch, mà còn phải làm sao để hỗ trợ và duy trì tăng trưởng.
Khi các ngành kinh tế đình trệ thì hoàn toàn có thể dồn lực vào xây dựng hạ tầng. Các dự án hạ tầng vừa kích cầu, đóng góp cho tăng trưởng trong ngắn hạn, bù đắp các ngành khác ảm đạm, vừa có thể khơi thông nguồn lực, tạo đà cho phát triển trong dài hạn.
TS Cấn Văn Lực
Để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của nCoV, Thái Lan đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục. Philippines, Indonesia và nhiều nước khác cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng điều chỉnh chính sách nếu cần thiết. Còn Singapore thì cam kết có đủ các công cụ cần thiết để điều chỉnh giá trị đồng tiền phù hợp với tình hình kinh tế.
Tại Việt Nam, nhiều quan điểm cho rằng, một chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết. Trong đó có vấn đề tìm cách giảm lãi suất, các gói hỗ trợ của ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với một số đối tượng của nền kinh tế. Tuy vậy, phương án “đồng hành” cùng dịch bệnh nCoV cũng đặt các ngân hàng vào thách thức lớn. Lạm phát đang có xu hướng gia tăng. Yếu tố mùa vụ đã tác động đáng kể lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong khi giá thịt lợn chưa cho thấy đà giảm nào đáng kể và diễn biến dịch bệnh nCoV sẽ làm tăng lạm phát dự kiến trong tương lai. Đây là nguồn cơn của việc tích trữ hàng hóa và sẽ càng đẩy lạm phát gia tăng. Cộng hưởng các yếu tố trên, bình ổn giá cả sẽ là nhiệm vụ khó khăn của nhà điều hành trong năm nay.
Ngoài lạm phát, công cụ tỷ giá cũng bộc lộ một số vấn đề. Cán cân thương mại đang bắt đầu trở lại nhập siêu (tháng 1/2020 ước tính nhập siêu 100 triệu USD). Trong giai đoạn tới, xu thế nhập siêu có thể gia tăng khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung ngoại tệ giảm dần, trong khi lo ngại dịch bệnh lan rộng sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá đã tăng hơn 100 đồng lên quanh mức 23.300 đồng/USD trong thời gian gần đây do dịch cúm khiến đồng USD mạnh lên tạm thời, khi nhà đầu tư tìm đến các kênh trú ẩn an toàn.
Theo TS Cấn Văn Lực, cơ quan quản lý không chỉ tính đến các phương án hỗ trợ như cân nhắc giảm lãi suất cho các lĩnh vực tác động mạnh, mà cần phải có phương án ứng xử với các nợ xấu tiềm ẩn trong một số lĩnh vực sẽ tăng lên trong thời gian tới. Năm 2020 là mốc thời điểm mà các tổ chức tín dụng phải hoàn tất tăng vốn, cải thiện nhiều hoạt động quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hoạt động bắt buộc.
Chính sách tiền tệ thận trọng phối hợp với tài khóa
Theo TS Cấn Văn Lực, chính sách tiền tệ thắt chặt là cần thiết vào thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh trở nên xấu hơn, để ổn định lạm phát. Trong khi đó, để kích thích tăng trưởng bù đắp sự suy giảm của cán cân thương mại có thể trông đợi từ các gói kích cầu nhưng cần đúng đối tượng và hỗ trợ lãi suất chỉ dành cho các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đồng thời, NHNN cần có nhiều biện pháp để củng cố vững chắc cho nền tảng vĩ mô và hệ thống ngân hàng để đối phó với ảnh hưởng từ tài chính quốc tế như tăng cường giám sát chặt chẽ. Theo quan điểm của TS Cấn Văn Lực, nhằm giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế, trong giai đoạn hiện nay, việc phối hợp các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là cực kỳ cần thiết. “Trước mắt nên tập trung xử lý những rào cản hiện nay như môi trường kinh doanh hay giải ngân đầu tư công” - ông Lực bình luận.
Ông Vũ Bằng (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, nên cân nhắc việc dùng các chính sách nới lỏng một cách thận trọng để “tranh thủ” hỗ trợ tăng trưởng. “Có thể cân nhắc mức 13 - 15% hoặc nới cho những ngân hàng đạt Basel 2, ngân hàng nhóm A, thì chất lượng tín dụng cũng không ảnh hưởng” - ông Bằng nhận định.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đề nghị phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường tài chính, tiền tệ phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. “Về thị trường vốn, đây vẫn là trụ cột quan trọng cho tăng trưởng nên phải có giải pháp tích cực hơn nữa nâng cao vai trò của thị trường vốn, thay dần cho tín dụng ngân hàng, giảm rủi ro mà vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn” - ông Vũ Bằng phân tích.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch nCoV cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh tái cơ cấu lại kinh tế với những tầm nhìn dài hạn hơn, đem đến cơ hội để hàng Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh hơn ra thế giới do có cơ cấu hàng hóa tương đồng với Trung Quốc. Khi Trung Quốc phải đóng cửa nhiều nhà máy, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên giành lấy các đơn đặt hàng này. Việt Nam đang có lợi thế về giá rẻ, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nên dễ dàng tận dụng được các cơ hội mở ra.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần