Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực đè nặng lên giáo viên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ở cấp mầm non thì trong hai tháng 9, 10 trường nào không có tai nạn xảy ra là đã rất thành công.

KTĐT - Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết: Ở cấp mầm non thì trong hai tháng 9, 10 trường nào không có tai nạn xảy ra là đã rất thành công.

Trẻ hiếu động, “sốc” khi bắt đầu nhập học tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn xảy ra. Không chỉ thể một số giáo viên làm việc căng thẳng đã bạo hành với trẻ để…giảm stress. Giảm gánh nặng đối với giáo viên mầm non là một cách hạn chế những tai nạn đáng tiếc.


Nhiều tai nạn rình rập

“Thực tế cho thấy, đầu năm học từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm thường xảy ra tai nạn. Toàn thành phố hiện có khoảng 270.000 trẻ đi học mầm non trong đó 80.000 trẻ mới. Đây là con số rất lớn nên để đảm bảo an toàn cho các bé là vô cùng khó khăn”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết. Ở cấp mầm non thì trong hai tháng 9, 10 trường nào không có tai nạn xảy ra là đã rất thành công.

Trải qua nhiều năm làm việc với môi trường này, cô Đỗ Thị Giang - phó phòng GD-ĐT quận Bình Tân, TPHCM bày tỏ: “Ngay từ sáng đón trẻ vào trường cho đến tận chiều, đó là khoảng thời gian những người làm giáo dục mầm non luôn mang cảm giác lo sợ có tai nạn sẽ đến”.
Còn cô Lê Thị Thanh Xuân -  giáo viên Trường Mầm non Hương Sen (Q. Bình Tân, TPHCM) cho biết có nhiều trẻ mới đi học rất khó chăm vì phản ứng sốc khi mới đi học. Cô Xuân dẫn chứng trong số trẻ cô đang chăm năm nay có bé Chu Lân rất ốm yếu, mỗi lần đến trường cứ khóc và ôm cứng chân mẹ không rời. Đến giờ ăn bé cứ kéo áo che miệng không cho cô đút. Ăn được 1, 2 muỗng lại ói ra. Còn bé Tuấn Hùng khi mới vào lớp không khóc nhưng rất buồn, ăn ít dễ ói và hay đau bụng… Những trẻ như thế, giáo viên quản lý cũng rất lo lắng.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy nhiều trẻ có thói quen ăn uống khó khăn. Dù đã 4, 5 tuổi nhưng khả năng tự phục vụ kém khó hòa nhập với bạn bè, ảnh hưởng sinh hoạt chung của lớp… Với những trẻ như thế, giáo viên rất dễ nổi cáu và có thể có những hành vi không tốt cho trẻ. Điển hình gần đây nhất là vụ việc cô giáo ở Nhóm trẻ tư thục Hoa Lan (Q. Tân Phú, TPHCM) “nhốt bé 4 tuổi vào thang máy”, gây tổn thương nặng cho bé này.

Áp lực đè nặng lên giáo viên

Nói về hiện trạng của các trường mầm non và giáo viên các trường này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết các trường công lập thường có sĩ số rất cao từ 40 đến 60 bé/lớp tùy khu vực. Giáo viên làm việc trong lớp đông trẻ bị áp lực cao và vào những ngày đầu nhận trẻ mới rất căng thẳng.

Mặc khác với điều kiện làm việc vất vả, mỗi giáo viên phụ trách ít nhất 10 em nhưng lương thấp. Nhiều lúc sức khỏe không tốt cũng dễ làm giáo viên bị áp lực và đôi khi giáo viên lại có những hành vi thô bạo với trẻ để giảm stress.

Bác sĩ Nguyễn Lệ Bình - Bộ môn sức khỏe tâm thần và tâm lý Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cho rằng: áp lực của giáo viên mầm non rất lớn. “Mọi việc đều giao hết cho giáo viên, ngoài việc quản lý còn phải lo cho trẻ ăn, làm vệ sinh... đủ thứ chuyện, nên các cô khó thư thái tìm hiểu cảm xúc của các cháu".

"Trẻ không phải là cái cây hay thực vật nên các em luôn di chuyển, hiếu động rồi còn khóc. Tưởng tượng rằng môi trường nhiều trẻ cùng khóc thì giáo viên muốn bình tĩnh cũng không dễ. Chưa kể, đời sống giáo viên chưa được đảm bảo, nhiều lo toan… Nên khi bị kiệt sức, giáo viên cũng gắt gỏng, khó kiểm soát mình. Lúc đó họ cũng là người bệnh thì khó có những hành vi bình thường hay dịu dàng với người khác”, bác sĩ Bình phân tích.

Giải pháp quan trọng phòng tránh tai nạn là giúp cho giáo viên giảm stress bên cạnh tập trẻ thích nghi môi trường mới được nhiều giáo viên và chuyên gia đồng thuận. Bên cạnh sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường để nắm kịp thời vấn đề vướng mắc của trẻ thì phụ huynh và cô giáo phải thay đổi thói quen hù dọa hay phạt khi trẻ không ăn, khóc… Cách dọa trẻ không mang lại hiệu quả mà còn làm bé tăng nỗi sợ hơn, cũng như cho thấy năng lực nắm bắt tâm lý trẻ hạn chế.

Các giải pháp trên đều cần vai trò của các cấp quản lý, giám sát. “Nên xem lại giáo viên nào bị áp lực quá mức thì hỗ trợ tâm lý. Nếu cô giáo không bị vướng mắc đều đó nên hướng dẫn họ cách tiếp xúc với trẻ mới, kỹ năng đối phó với trẻ khóc”, bác sĩ Bình đề xuất.