Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực giữ ổn định lãi suất cho vay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng lãi suất huy động tăng chưa tạo áp lực đến lãi suất cho vay nhưng cũng cho thấy khả năng giảm lãi suất khó có cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với NHNN trong việc làm sao giữ lãi suất cho vay không tăng trong thời gian tới.

Dư địa giảm lãi suất “ngặt nghèo” hơn

Một số NH gần đây tái tăng nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Rõ ràng nhất là trong nửa đầu tháng 1/2016, các NH thương mại tiếp diễn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động kèm theo các chương trình khuyến mãi; ngay cả những “ông lớn” như BIDV, VietinBank cũng đã vào cuộc. Bên cạnh đó, lãi suất huy động dài hạn của một số NH cũng tăng lên đáng kể. Theo NHNN, xu hướng tăng lãi suất tại các NH chủ yếu do yếu tố mùa vụ, mang tính chất tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp giáp Tết.

Một số NH thương mại cũng cho hay nhu cầu vốn cuối năm tăng cao trong khi huy động tăng không tương ứng buộc NH phải tăng lãi suất tiền gửi để hút vốn.
Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Chương Dương. 	Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Chương Dương. Ảnh: Trần Việt
Mặc dù cho biết lãi suất sẽ tiếp tục ổn định, song NHNN cũng khẳng định, lãi suất chưa thể giảm tiếp. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng khẳng định, cơ quan điều hành chưa có kế hoạch giảm trần lãi suất cho vay. Nhiều dự báo cho rằng lãi suất sẽ khó giảm xuống, vì năm 2016 lạm phát tăng, làm tăng kỳ vọng của người dân gây áp lực làm tăng lãi suất huy động; cầu tín dụng của khu vực tư nhân tiếp tục tăng trong khi nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ không giảm, nhu cầu trích lập dự phòng rủi ro cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.

Lo ngại lãi vay trung, dài hạn
Trong làn sóng tăng lãi suất huy động gần đây, sẽ có 2 nhóm khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng. Với nhóm khách hàng có chất lượng tốt, NH sẽ không dám tăng lãi suất cho vay do phải cạnh tranh để giữ thị phần. Đối với nhóm khách hàng có độ rủi ro cao hơn, các NH có thể điều chỉnh lãi suất để bù đắp rủi ro.
Chuyên gia kinh tế 
Nguyễn Trí Hiếu

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, vì thế áp lực tín dụng đang vào lúc “cao điểm”. NHNN đã quyết định cho phép một số tổ chức tín dụng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Cụ thể, theo Thông tư 23/2015/TT-NHNN, từ ngày 28/1/2016, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Thống đốc sẽ xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho đến mức tối thiểu 0%...

Có thể nói việc nới lỏng này sẽ giúp các NH thương mại có thêm nguồn vốn giá rẻ đáp ứng nhu cầu tín dụng cuối năm. Đặc biệt đối với những NH thương mại Nhà nước lớn, dù chỉ được giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc này, thì một lượng vốn không nhỏ sẽ được đẩy ra thị trường, giúp giảm áp lực thanh khoản. TS Trần Du Lịch nhìn nhận, đây cũng là một trong những cái “được” của NHNN để duy trì lãi suất ổn định. Song thách thức đối với NHNN là làm sao giữ lãi suất cho vay không tăng.

Trong khi đó, chia sẻ về diễn biến lãi suất trong năm 2016, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, ngoài lạm phát kỳ vọng và kế hoạch tăng 1% lãi suất trong năm 2016 của FED, lợi suất trái phiếu Chính phủ đang lên mạnh, tạo áp lực tăng lãi suất, thị trường chứng khoán cũng không thực hiện được chức năng huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Trong khi đó, vốn huy động từ NH chủ yếu là vốn ngắn hạn, lại phải phục vụ nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, dẫn đến lãi suất huy động chịu áp lực tăng.

Một yếu tố nữa tác động mạnh đến lãi suất theo TS Lê Xuân Nghĩa là nợ xấu. “Chúng ta xử lý nợ xấu trong bối cảnh không có tiền, thiếu hệ thống pháp lý hỗ trợ mạnh, các NH phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Điều này nói lên 2 chuyện: Khả năng chịu đựng rủi ro và nền tảng tài chính của các NH suy giảm. Bởi vậy, các NH sẽ tính đến bài toán lãi suất cho vay khi mà chi phí hoạt động cao” - vị chuyên gia này nói.

Hiện chưa có NH nào tăng lãi suất cho vay, ít nhất là về mặt chính thức. Nhưng tổng giám đốc một NH lớn cho biết, lãi suất giảm hay không còn phụ thuộc vào nền kinh tế chung, diễn biến kinh tế, hiệu quả kinh tế của DN, kiểm soát lạm phát. Sẽ không có mặt bằng lãi suất chung mà tùy từng dự án, DN. Những dự án tốt sẽ có lãi suất cho vay tốt, chứ không có một lãi suất cố định.