KTĐT - Trong những ngày lên Hà Nội thi đợt 1 đầu tháng 7 vừa qua, T bị sốc do tác động từ các bạn cùng phòng trọ. Một số bạn nhận xét, T học không chắc, nghiêng về lý thuyết nhiều như thế thì không đỗ được.
Mùa thi đã qua nhưng vẫn còn đó những sĩ tử phải nhập viện vì rối loạn tâm thần. Sự kỳ vọng của gia đình cùng với áp lực “thi phải đỗ” khiến V.T.T (19 tuổi, Nam Định) từ một học sinh giỏi thành người mang bệnh về tâm lý.
Suốt 12 năm học phổ thông V.T.T là học sinh giỏi tiêu biểu của lớp. Thầy cô, bạn bè và cả gia đình luôn đặt niềm tin nơi T, ai cũng kỳ vọng em bước vào giảng đường khi mùa thi đến. Do đó, kỳ thi trượt năm thứ nhất đã gây cú sốc lớn cho chính em và gia đình.
Quyết tâm ôn thi đợi năm sau phục thù, T không giao lưu bạn bè hay gặp gỡ người quen. Vì mặc cảm T giam mình trong nhà tự học, suốt ngày quanh quẩn bốn bức tường, hết ăn rồi đến học. “Đến lúc gia đình phát hiện T bị bệnh thì em đã rơi vào tình trạng vừa học vừa nghĩ mình tài giỏi”, bố T cho biết.
Trong những ngày lên Hà Nội thi đợt 1 đầu tháng 7 vừa qua, T bị sốc do tác động từ các bạn cùng phòng trọ. Một số bạn nhận xét, T học không chắc, nghiêng về lý thuyết nhiều như thế thì không đỗ được. Lại có bạn bị bệnh ung thư mà vẫn đi thi…, cộng với tình trạng bệnh cũ từ nhà đã làm T. hoảng loạn.
Điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần ở T. là thi môn toán, em thấy đề quá khó không nghĩ ra cách giải. Cả buổi thi hôm ấy T. ngồi ngây ra không viết được chữ nào. Về nhà, T. đã phát bệnh sau kỳ thi 4 ngày. T hoảng loạn, không biết mình là ai. Em đã bỏ nhà đi lang thang.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị Tâm thần nam & Nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân V.T.T nhập viện trong tình trạng miệng luôn la hét, đập phá, tự cho mình là tài giỏi. Đây là chứng bệnh loạn thần cấp (bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm… trong thời gian nhất định).
Nguyên nhân do áp lực gia đình đã quá kỳ vọng vào cháu. Sau một năm giam mình trong nhà, chỉ loanh quanh với bốn bức tường và sách vở bệnh nhân đã bị sang chấn tâm lý. Cách điều trị hiệu quả nhất là để cháu được thư giãn, nghỉ ngơi không được tạo sức ép nữa”.
Chiều nay (23/7), em T. sẽ được xuất viện.
Qua trường hợp của em V.T.T và nhiều trường hợp khác, PGS.TS Trần Hữu Bình, Viện Trưởng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cảnh báo: “Bộ Giáo dục, nhà trường và gia đình nên giảm áp lực học hành cho con cái, đừng chạy theo thành tích. Nếu cha mẹ quá kỳ vọng vào con sẽ tạo cho các cháu dễ bị stress, gây sang thương tâm lý, làm rối loạn tâm thần. Cha mẹ phải là nơi để các con có thể giãi bày khó khăn, những áp lực cuộc sống. Cần chăm sóc các cháu tốt không chỉ về mặt dinh dưỡng mà còn về tinh thần.
Ở vị trí chuyên gia trong lĩnh vực này, tôi thấy Bộ Giáo dục cần phải cải tiến chế độ thi cử, tạo điều kiện để các em học hành, thi cử thoải mái. Ngoài ra, việc thành lập các phòng tham vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường cũng hết sức cần thiết. Nhiều trường hợp nếu được hỗ trợ tâm lý từ trường học các cháu sẽ không rơi vào hoàn cảnh thương tâm”.