Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa nay (13/11), áp thấp nhiệt đới đã đi vào vùng biển phía Đông Nam Biển Đông.

Hồi 13h ngày 13/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 470km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 14/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên – Ninh Thuận khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

 
Áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 1

 
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sau mạnh lên thành bão kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao và không khí lạnh tăng cường nên khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Từ chiều 14/11, ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng mưa này sẽ mở rộng xuống các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vào đêm mai.

Cũng theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện trên lục địa Trung Quốc có một khối không khí lạnh đã hình thành và đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo khoảng sáng ngày 14/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ tràn xuống Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, miền Bắc có mưa, mưa nhỏ vài nơi. Trên đất liền gió đông bắc mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Vịnh Bắc Bộ gió đông bắc lại mạnh lên cấp 6, giật cấp 7. Biển động, nền nhiệt độ các tỉnh thành tiếp tục giảm khoảng 2 độ C. Trời chuyển rét nhẹ, vùng núi trời rét, các vùng núi cao rét nhất.