Theo các chuyên gia, những tồn đọng trong cơ sở hạ tầng, việc lập kế hoạch và quản lý đô thị yếu kém, những tác động của môi trường đang ảnh hưởng mạnh đến điều kiện sống ở các thành phố trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gây cản trở tăng trưởng kinh tế và kéo lùi sự phát triển bền vững. Để đối phó hiệu quả với những thách thức này, các nước cần phải chuyển đổi mô hình đô thị hóa theo hướng lấy con nguời làm trọng tâm phát triển, trao quyền cho người dân và thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Thống kê cho thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện sở hữu hơn một nửa số đô thị lớn của thế giới. Các thành phố này chiếm 70-80% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và hơn 60% dân số của APEC. Dự kiến, dân số thành thị của APEC sẽ tăng từ 1,8 tỷ lên 2,4 tỷ người vào năm 2050, chiếm 77% dân số khu vực. Sự gia tăng mạnh về dân số đô thị sẽ tạo áp lực đè nặng lên các thành phố lớn vốn đang chuyển mình mạnh mẽ và đang phải đối mặt với không ít thách thức như tắc nghẽn giao thông, thiếu nhà ở, khủng hoảng dịch vụ y tế, giáo dục, ô nhiễm môi trường, đói nghèo...