Trong báo cáo công bố ngày 8/11, Bộ phận Hỗ trợ Chính sách (PSU) của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cho biết trong giai đoạn từ 2006-2010, chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa ở khu vực này đã giảm 5%, đồng nghĩa với việc các nền kinh tế trong khu vực đã tiết kiệm được khoản chi phí giao dịch lên tới gần 60 tỷ USD. Báo cáo của PSU nhận định mức giảm chi phí xuất nhập khẩu nói trên thực sự là dấu hiệu khả quan đối với 21 nền kinh tế APEC, cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế bền vững nếu như những rào cản thương mại được giảm bớt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. PSU nhấn mạnh giảm bớt những trở ngại đối với việc buôn bán hàng hóa thậm chí còn mang tính quyết định để ổn định tăng trưởng kinh tế trong khu vực, giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận và tạo ra nhiều việc làm. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa cũng làm tăng khả năng cạnh tranh của các thị trường, từ đó mang lại mức giá thấp hơn cho người tiêu dùng. PSU cho biết thời gian để hoàn tất các thủ tục giao dịch xuất nhập khẩu trong năm 2010 đã được giảm xuống còn 15 ngày, so với 17 ngày của năm 2006. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng đã phải giảm thiểu các thủ tục rườm rà về hải quan, các tiêu chuẩn và các loại giấy tờ không cần thiết thông qua hình thức giao dịch điện tử. Báo cáo của PSU được công bố trước thềm các cuộc họp liên quan của Hội nghị cấp cao APEC dự kiến diễn ra trong hai ngày 12-13/11 tới tại Hawaii, Mỹ./.