Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

APEC ưu tiên “Mục tiêu Bogor” và kết nối khu vực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội nghị đã nhất trí với các bước hướng tới cũng như các phương thức mà APEC có thể hỗ trợ nhằm đảm bảo thành công của hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9, sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm nay tại Bali (Indonesia).

 
 
Ngày 21/4, hội nghị bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Indonesia, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào cuối năm nay, đã bế mạc với cam kết hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng cường kết nối khu vực và dành ưu tiên thúc đẩy thực hiện và hoàn thành các “Mục tiêu Bogor," đã được các nhà lãnh đạo APEC nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 1994 tại Bogoe. Theo đó, APEC sẽ trở thành một khu vực mở và tự do về thương mại và đầu tư với tất cả các nền kinh tế thành viên vào năm 2020.

APEC ưu tiên “Mục tiêu Bogor” và kết nối khu vực - Ảnh 1
 
Các đại biểu chụp ảnh tại hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
 
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjiwan cho biết tiếp tục những nỗ lực trong năm 2012, các bộ trưởng APEC đã khẳng định lại tầm quan trọng của thương mại quốc tế để phục hồi kinh tế, tạo việc làm và phát triển; các giá trị và vai trò trung tâm của WTO cũng như cam kết hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương mở, tự do và công bằng, cho phép dòng chảy thông suốt của thương mại giữa các nước trên cơ sở tôn trọng sứ mệnh Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu và các nguyên tắc của WTO.

Hội nghị đã nhất trí với các bước hướng tới cũng như các phương thức mà APEC có thể hỗ trợ nhằm đảm bảo thành công của hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9, sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm nay tại Bali (Indonesia); ghi nhận một số sự phát triển hướng tới các cấu trúc thương mại mới như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện khu vực (RCEP) của ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các cuộc đàm phán thương mại ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, cũng như nhiều sáng kiến tiểu khu vực và song phương mới.

Bộ trưởng Gita nêu rõ, tại Bogor năm 1994, các nhà lãnh đạo APEC đã xác định tầm nhìn cho một khu vực châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng, dựa trên nền tảng tự do thương mại và đầu tư kể từ năm 2010 cho các nền kinh tế thành viên phát triển, và từ năm 2020 cho các nền kinh tế thành viên đang phát triển. 

Các thành viên APEC đã triển khai nhiều biện pháp cá nhân và tập thể để đạt được mục tiêu này, và chính những biện pháp như vậy đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững và mạnh mẽ của khu vực, đưa châu Á-Thái Bình dương trở thành động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, cũng như có một vai trò quan trọng gia tăng trong tiến trình đàm phán tự do hoá thương của WTO. 

Để hoàn thành “Mục tiêu Bogor,” các bộ trưởng APEC đã trao đổi, nhất trí về cách thức thu hẹp khoảng cách phát triển trong mỗi nền kinh tế và giữa các nền kinh tế thành viên, trong đó chú trọng hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển, tăng cường thúc đẩy và kết nối hội nhập khu vực, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của các nền kinh tế thành viên.

Theo Bộ trưởng Gita, APEC hiện được nhìn nhận như một nguồn động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và là một diễn đàn quan trọng ủng hộ hệ thống thương mại trên cơ sở mở cửa, tự do và công bằng. Thực tế, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại từ 3,9% năm 2011 xuống còn 3,2% năm 2012, thì GDP trong cùng kỳ của khu vực APEC đã tăng lên 4,1%. 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiều nền kinh tế thành viên APEC cũng gia tăng, thương mại nội khối APEC và trong khu vực APEC đã tăng 3,9%, cao hơn mức tương ứng 1,9% của phần còn lại của thế giới. Xuất khẩu của APEC năm 2012 cũng tăng 2,6% lên 8.700 tỷ USD, trong khi nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng tài chính và nợ công. 

Trong bối cảnh như vậy, với mức độ phát triển cũng như khả năng trụ vững đa dạng của các nền kinh tế thành viên, APEC rất cần thực thi chiến lược tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường và chuyển sang nền "kinh tế xanh."

Trong quá trình thực hiện sự chuyển đổi này, APEC cam kết sẽ tạo điều kiện, cơ hội và khuyến khích sự tham gia, đóng góp của mọi người dân, khu vực tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và phụ nữ, đầu tư vào nguồn nhân lực để đảm bảo an ninh lương thực, đối phó với biến đổi khí hậu...

Hội nghị cho rằng để tiếp tục xây dựng và tích hợp khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 thông qua xây dựng một Cộng đồng APEC liên kết, mạnh mẽ và an toàn hơn, APEC cần tăng cường các biện pháp nhằm hoàn thành mục tiêu ngắn hạn của APEC nâng cao hiệu suất 10% về chí phí, thời gian vào năm 2015, cải cách APEC về mặt cơ cấu và thể chế, dành ưu tiên hàng đầu cho tăng cường kết nối và hội nhập khu vực, trong đó có cả kết nối giữa con người với con người, và đây sẽ là những nền tảng quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư.

Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng APEC đã ra tuyên bố chung, khẳng định sự nhất trí về các giải pháp tập thể để đối phó với những thách thức có thể tác động đến kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cam kết tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, theo đuổi các Mục tiêu Bogor, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và công bằng, đồng thời tăng cường kết nối và hội nhập khu vực. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng APEC còn ra tuyên bố chung “Tăng cường hệ thống thương mại đa phương thông qua Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Bali”.