Asanzo trốn thuế và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Asanzo xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và trốn thuế" - đó là khẳng định của đại diện Tổng cục Hải quan tại buổi họp báo chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 9 tháng đầu năm của BCĐ 389, tổ chức chiều 24/10.

Theo đó, dựa trên chứng cứ thu thập được, Tổng cục Hải quan đã xác định Công ty CP Tập đoàn Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch HĐQT đã có dấu hiệu xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và trốn thuế. Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo  ngày 30/8, các cơ quan chức năng phải có kết luận vụ việc nhưng nhưng đến nay, sau gần 2 tháng mới có những chứng cứ ban đầu, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Văn Ba cho hay: "Tại công văn 2648 ban hành ngày 19/9, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 389 Quốc gia cho phép gia hạn thời gian công bố kết luận vụ việc liên quan đến Asanzo đến ngày 30/10. Dự kiến tuần tới sẽ có cuộc họp liên ngành, bao gồm các Bộ Tài chính, Công an, Công Thương, Khoa học Công nghệ, Tư pháp, Thuế, VCCI... Sau đó, chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ đến các cơ quan báo chí”.

 Sản xuất tại Công ty CP Tập đoàn Asanzo

Trước đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã có kết luận thanh tra và quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Asanzo với các hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, về giao dịch liên kết, về bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn... Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 68 tỷ đồng. Đồng thời, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng đã chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của doanh nghiệp này sang cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Trả lời phóng viên tại buổi họp báo chống buôn lậu chiều ngày 24/10

Cũng tại buổi họp báo, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác "made in Vietnam" để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cả nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ 2018), thu nộp ngân sách nhà nước đạt 12,3 nghìn tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018) với 1.908 đối tượng (tăng 44%so với cùng kỳ 2018).