Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ASEAN cảnh giác trước hành động leo thang của Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, trước các căng thẳng leo thang tại Biển Đông do Trung Quốc đơn phương tiến...

Kinhtedothi - Vừa qua, trước các căng thẳng leo thang tại Biển Đông do Trung Quốc đơn phương tiến hành, lãnh đạo các nước ASEAN đã đồng loạt lên tiếng, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật phát quốc tế và thúc giục sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tốc độ và quy mô xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã dấy lên những tín hiệu cảnh báo nguy hiểm với các nước khác trong khu vực. Sau khi hoàn tất quá trình xây dựng trái phép 7 đảo nhân tạo, Trung Quốc đã cấp tập xây dựng 3 đường băng, đặt hệ thống tên lửa, radar tần số cao và các cơ sở quân sự khác trên các đảo. Tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông cũng chính là vấn đề lãnh đạo các nước ASEAN đặc biệt quan ngại. Trong cuộc gặp vừa diễn ra với người đồng cấp chủ nhà Trung Quốc, ông Balakrishnan - Bộ trưởng Ngoại giao Singapore đã nỗ lực thúc đẩ̉y ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm xử lý căng thẳng và tránh xung đột.
Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Ông Balakrishnan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, khẳng định Singapore ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông.

Không chỉ có Việt Nam, Singapore, Chính phủ Philippines vừa lên án thái độ “đứng trên luật pháp” của Trung Quốc khi nước này “cứng đầu” từ chối công nhận tính pháp lý và liên tiếp khẳng định không tham dự phiên xét xử của Tòa Trọng tài quốc tế tại La Haye, Hà Lan. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh: “Philippines và cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa cũng như cùng tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Trước các hành động leo thang đơn phương của Trung Quốc, Philippines và Nhật Bản - nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông - đã ký một thỏa thuận quân sự cho phép Nhật Bản chuyển giao máy bay và trang thiết bị quân sự cho Philippines, như một nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự với Trung Quốc. Theo đó, Nhật Bản sẵn sàng cho Philippines mượn ít nhất 5 máy bay TC-90 King Air để phục vụ việc huấn luyện bay trinh sát. Ngoài ra, Philippines cũng muốn mua các máy bay P3C-Orion của Nhật Bản sau khi Nhật Bản chuyển sang sử dụng máy bay trinh sát P1 hiện đại hơn.

Trong khi đó, tại cuộc hội đàm với ông Tống Đào - Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Đảng cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân bày tỏ quan điểm đề nghị Việt - Trung cần tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và các thỏa thuận đã đạt được, không tiến hành các hoạt động đơn phương thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, không quân sự hóa, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giải quyết thỏa đáng những bất đồng bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực.