Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar - nước hiện giữ chức Chủ tịch ASEAN, Wunna Maung Lwin đã chủ trì các phiên họp này. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.
Tại phiên họp toàn thể, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc tiếp nối Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, việc thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), tiến triển của quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, các bộ trưởng khẳng định quyết tâm và nỗ lực cao nhất nhằm thực hiện những nhóm hành động còn lại trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN theo tiến độ đề ra ở cả tầm quốc gia và khu vực, tập trung các chương trình và lĩnh vực ưu tiên, nhất là về liên kết kinh tế và kết nối; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về ASEAN…
Các bộ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ là nền tảng quan trọng cho ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh trong những thập kỷ tiếp theo; đặc biệt là giúp ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong các tiến trình hợp tác khu vực, là hạt nhân của mạng lưới các liên kết và kết nối đa tầng nấc ở Đông Á.
Thảo luận về cấu trúc khu vực, các bộ trưởng đã nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong môi trường khu vực đang có nhiều thay đổi nhanh chóng. ASEAN cần tăng cường đoàn kết, gia tăng hiệu quả các cơ chế hợp tác tác nội khối, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia và khu vực, phát huy tiếng nói và trách nhiệm chung đối với các vấn đề chiến lược của khu vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển.
ASEAN cần chủ động phát huy các sáng kiến và thúc đẩy việc hình thành các cấu trúc khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, các văn kiện, công cụ và cơ chế hiện có của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố Bali về Những nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, SEANWFZ, DOC; nỗ lực phát huy vai trò chủ đạo tại các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ và EAMF; nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả của ASEAN đối với các thách thức an ninh đang nổi lên.
Các bộ trưởng cũng cho rằng việc chủ động và tích cực tăng cường quan hệ với các nước đối thoại và đối tác của ASEAN góp phần phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình.
Tại phiên họp kín, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã trao đổi quan điểm về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các bộ trưởng nhận định khu vực và thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, phức tạp, bao gồm cả thách thức truyền thống và phi truyền thống, cũng như các điểm nóng trên thế giới và khu vực như Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, Ukraine...
Các bộ trưởng đã trao đổi về tình hình Biển Đông; bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng phức tạp vừa qua trên Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC.
Các bộ trưởng cũng tái khẳng định các nguyên tắc của ASEAN nêu trong Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông (tháng 7/2012) và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014; nhấn mạnh sự cần thiết cần phải sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực. Theo dự kiến, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ thông qua Thông cáo chung của Hội nghị AMM-47.
Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đề cao giá trị của Hiệp ước SEANWFZ là một trong các công cụ quan trọng của ASEAN đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phi vũ khí hạt nhân ở khu vực; nhấn mạnh cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động tăng cường Hiệp ước SEANWFZ 2013-2014, tiếp tục thúc đẩy các nước có vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư của Hiệp ước.
Cùng ngày, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã gặp Đại diện của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Tại cuộc gặp, các Bộ trưởng hoanh nghênh nỗ lực và kết quả đạt được của AICHR năm qua trong thúc đẩy hợp tác khu vực về nhân quyền, nhất là việc triển khai Tuyên bố nhân quyền ASEAN (AHRD) và chương trình công tác năm 2014.
Chỉ đạo công việc của AICHR trong thời gian tới, các Bộ trưởng nhấn mạnh AICHR cần tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như giai đoạn phát triển cao hơn của ASEAN trong những thập kỷ tới.
Phát biểu tại các hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định cam kết cùng ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động nguồn lực cần thiết phục vụ tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục duy trì động lực và vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế ở khu vực Đông Á trên cơ sở nâng cao nội lực, làm sâu sắc liên kết nội khối, triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác (FTA+1) cũng như đẩy mạnh đàm phán Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP).
Bên cạnh đó, ASEAN cần nâng cao nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức phi truyền thống như an ninh, an toàn hàng hải, thiên tai, dịch bệnh, thường xuyên xảy ra và tác động khôn lường đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh ASEAN cần kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian qua để xây dựng một tầm nhìn dài hạn, chiến lược nhằm đưa ASEAN lên tầm cao mới sau 2015.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề cập đến tình hình phức tạp trên Biển Đông thời gian qua, đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và trái với tinh thần của DOC.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng của những sự việc phức tạp vừa qua trên Biển Đông, theo đó yêu cầu không để tái diễn những hành động phức tạp, đồng thời cần thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC; tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Cùng với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thảo luận về các biện pháp cụ thể, tích cực nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng.
Bên lề hội nghị ASEAN và hội nghị liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Hoàng thân Mohamed Bolkiah, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei. Hai bên đã trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Brunei, trong đó có việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tăng cường trao đổi tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, văn hóa, giáo dục, du lịch, lao động, nông nghiệp; sớm tổ chức kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam - Brunei vào thời điểm thích hợp trong năm 2014.
Về phần mình, Hoàng thân Mohamed Bolkiah khẳng định Brunei coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhất trí cần tiếp tục triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường quan hệ hợp tác song phương. Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao dự Phiên họp toàn thể hội nghị AMM47 tại Naypyidaw, Myanmar.
|