ATM đến hẹn lại “xin lỗi quý khách”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, những ngày sát kỳ nghỉ Tết Dương lịch, nhiều máy ATM trên địa bàn Hà Nội lại ngừng giao dịch và “xin lỗi quý khách”.

Quy định ngân hàng bị xử phạt đến 15 triệu đồng nếu để máy ATM hết tiền đã có hiệu lực, nhưng đến nay, vẫn chưa có ngân hàng nào bị phạt để “làm gương”.  Và nỗi lo không rút được tiền khi “năm hết Tết đến” vẫn ám ảnh nhiều chủ thẻ dù ngân hàng ra sức hô hào chống nghẽn.

Nhiều máy ATM ngừng hoạt động 

Chị Nguyễn Hải Yến- một chủ thẻ của Vietcombank phản ánh, cuối tuần qua, chị đã phải “bó tay” khi rút tiền tại một cây ATM Vietcombank trên phố Bà Triệu. Để không phải chạy đi rút chỗ khác, chị Yến đã phải xếp hàng hơn 15 phút để rút được hơn 1 triệu 
đồng tiền mặt tại cây ATM bên cạnh. “Năm nào cũng nghe các ngân hàng hô hào bảo dưỡng, tiếp quỹ ATM nhưng đến ngày “cao điểm” là ATM lại vẫn quay ra “chết”. Mới nghỉ lễ Tết Dương lịch mà đã thế này, không biết cao điểm Tết Nguyên Đán nữa thì ra sao”- chị Yến uể oải nói.

 
ATM đến hẹn lại “xin lỗi quý khách” - Ảnh 1
Mới đây nhất, sáng 29/12, một số cây ATM của Agribank trên đường Quang Trung (Hà Nội) có thông báo, ATM tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng.

Theo quan sát của PV Báo Kinh tế & Đô thị, tình trạng ATM báo lỗi trong nội thành Hà Nội diễn ra nhiều từ cuối tuần qua, khi nhu cầu rút tiền trước dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch bắt đầu lên cao. Còn tại một số cây ATM ở ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm…, nhiều chủ thẻ phản ánh, tình trạng ATM ngừng hoạt động diễn ra thường xuyên. 

Theo anh Nguyễn Mạnh Hùng- chủ thẻ của Agribank, ngày 23/12 vừa qua, anh Hùng có đến rút tiền tại cây ATM của Agribank đối diện số nhà 84, đường Cổ Bi (Gia Lâm - Hà Nội) nhưng máy liên tục báo lỗi. Tiếp đó, anh đến cây ATM cùng hệ thống Agribank ở gần Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Gia Lâm, nhưng vẫn không rút được tiền. Anh Hùng phản ánh, tình trạng hết tiền của máy ATM Agribank trên đường Cổ Bi đã diễn ra từ mấy ngày trước, nhưng khách hàng không nhận được thông báo nào từ ngân hàng.

Theo quy định của Chính Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, từ ngày 12/12/2014, ngân hàng nào để máy ATM lỗi có thể bị phạt tiền lên đến 15 triệu đồng. Cụ thể, mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng; để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy ATM không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không duy trì bộ phận hỗ trợ khách hàng 24/7… 

Phạt ngân hàng có dễ?

Quy
định của Nghị định 96 được coi là việc làm cần thiết nhằm sòng phẳng trách nhiệm và nghĩa vụ của khách hàng cùng ngân hàng trong việc cung ứng và sử dụng dịch vụ ATM. Trong khi các ngân hàng đang cấp tập thu phí và tăng phí thì các chủ thẻ cũng có quyền được đòi hỏi ngân hàng phải chịu trách nhiệm khi dịch vụ cung cấp không đảm bảo quyền lợi của họ. 

Tuy nhiên, việc xử phạt không đơn giản, bởi trong trường hợp ATM không nhả tiền, khách hàng rất khó xác định ATM hết tiền hay bị lỗi kỹ thuật để báo cáo cơ quan quản lý. Cũng không khách hàng nào có thể “giám sát” cây ATM để xác minh rằng, cây đó hết tiền trong 24 giờ hay chỉ một vài giờ là hết lỗi. 

Thực tế, tại hệ thống máy chủ, các ngân hàng đặt báo động giám sát lượng tiền tồn, kèm theo đó là hệ thống theo dõi và giám sát mạng lưới ATM. Khi máy ATM còn tiền ít, máy sẽ tự động cập nhật và báo cáo về nơi giám sát thẻ để đảm bảo xử lý nguồn tiền kịp thời. Thông thường, khi máy còn khoảng 100 triệu đồng là các ngân hàng lên kế hoạch tiếp quỹ. Bởi vậy, theo các chuyên gia, việc tiếp quỹ ATM không quá khó. Nếu ngân hàng theo dõi và tiếp quỹ đúng quy trình thì sẽ hạn chế được tối đa tình trạng máy ATM hết tiền, kể cả thời cao điểm. Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng thực hiện chưa tốt việc này dẫn đến những rắc rối khi khách hàng không rút được tiền.

Ông Bùi Quang Tiên- Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) khuyến cáo, người dân nếu gặp tình trạng trên có thể gọi điện đến đường dây nóng để phản ánh, NHNN sẽ kiên quyết xử lý theo tinh thần Nghị định 96.

Bên cạnh việc bị xử phạt, việc để cây ATM lỗi thường xuyên cũng sẽ làm giảm niềm tin của khách hàng vào dịch vụ thẻ ngân hàng, khiến ngân hàng “mất điểm” trong mắt khách hàng.