Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hunsen thăm AVIC và BIDV tháng 12 năm 2013
|
Ngày 13/01/2014, tại Thủ đô PhnomPenh, Vương quốc Campuchia, Hội nghị Xúc tiến đầu tư VN sang CPC lần thứ 4 đã được tổ chức với sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hai nước cùng lãnh đạo các Bộ ngành và Doanh nghiệp tiêu biểu hai nước. Hội nghị đã tổng kết 4 năm hoạt động xúc tiến đầu tư VN-CPC và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước đó, AVIC đã đầu mối tổ chức 3 lần Hội nghị xúc tiến đầu tư VN vào CPC: Lần 1, ngày 26/12/2009 tại TP.Hồ Chí Minh-VN; Lần 2, ngày 24/4/2011, tại thủ đô PhnomPenh-CPC; Lần 3, ngày 24/06/2012 tại tỉnh Kiên Giang-VN. |
Ngoài ra, AVIC còn trực tiếp tư vấn, hỗ trợ các DNVN làm việc với các tổ chức tín dụng để tài trợ vốn cho các dự án tại CPC; đôn đốc, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án được cấp phép triển khai hoàn thành đúng tiến độ cam kết; vận động các DNVN tích cực thực hiện an sinh xã hội. Từ 2009 đến nay, AVIC đã vận động các DN tích cực tham gia các chương trình ASXH thiết thực, tiếp tục góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân CPC với tổng số tiền thực hiện ASXH trong thời gian qua đạt trên 35 triệu USD.
Những hoạt động của AVIC đã góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế của VN và CPC đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Kết quả đầu tư của VN vào CPC tăng mạnh: Trước năm 2009, VN chỉ có 37 dự án đầu tư trực tiếp tại CPC, với tổng số vốn đăng ký hơn 381 triệu USD nhưng đến 2013, có khoảng 127 dự án đầu tư còn hiệu lực vào CPC với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 3 lần về số lượng dự án và trên 7 lần về giá trị vốn đầu tư. Đặc biệt, sau các hội nghị xúc tiến đầu tư, đầu tư của VN vào CPC đã có bước phát triển vượt bậc, đột phá; FDI của các DNVN đã giải ngân tại CPC đạt trên 1,2 tỷ USD, đã có trên 50 dự án chính thức đi vào hoạt động và tạo công ăn việc làm cho 30.000 lao động CPC. Nhờ đó từ thứ hạng thấp trước năm 2009, chỉ sau hơn 03 năm thúc đẩy đầu tư sang CPC, VN đã vươn lên đứng vị trí thứ 05 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại CPC và đứng thứ 02 trong tổng số hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của VN.
Về thương mại: Hoạt động thương mại song phương VN-CPC phát triển mạnh mẽ. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều hai nước đã đạt trên 3,2 tỷ USD (tăng 2 lần so với năm 2009). Năm 2013, mặc dù có những khó khăn chung của nền kinh tế hai nước nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn tăng gần 9%, đạt khoảng 3,5 tỷ USD. VN trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của CPC trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với CPC.
Về du lịch: Nếu như năm 2008 chỉ có 235.000 lượt du khách du lịch giữa hai nước thì đến 2013, tổng lượng khách du lịch hai chiều VN-CPC đạt gần 1,2 triệu lượt, tăng gần 2,5 lần so với năm 2009, trong đó VN vẫn tiếp tục là nước đứng đầu về số lượng du khách đến CPC, chiếm khoảng 21% lượng khách du lịch đến CPC.
Để phát huy hơn nữa vai trò cầu nối VN-CPC, AVIC đề xuất lựa chọn các DNVN tiêu biểu, chủ trì, đi đầu tham gia đầu tư vào từng lĩnh vực chủ chốt, tiềm năng thế mạnh của CPC để tạo sức mạnh lan tỏa, thu hút và chia sẻ trong cộng đồng; Chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy hải sản, khai khoáng... là những lĩnh vực được CPC quan tâm và thu hút đầu tư; Tận dụng tối đa thế mạnh về vị trí địa lý giữa hai nước, xây dựng các chợ đầu mối tại các cửa khẩu trọng điểm để thúc đẩy giao thương hàng hóa, biên mậu; Thành lập Tổ công tác định kỳ kiểm tra hoạt động các DN.
AVIC cũng đề xuất một số giải pháp triển khai cụ thể như: Ưu tiên xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế giữa hai nước trong dài hạn đến 2015 và định hướng đến 2020; Đề xuất Bộ ngành hai nước phối hợp định kỳ rà soát lại các Hiệp định, Hiệp ước, văn bản pháp lý ký kết giữa hai nước để sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; Đối với các nội dung hợp tác kinh tế giữa hai nước theo các Hiệp định, Hiệp ước đã ký kết, thường xuyên rà soát, xác định rõ ràng trách nhiệm của các Bộ ngành hai nước trong việc công bố thông tin, đề xuất nội dung triển khai, công tác hỗ trợ DN, trách nhiệm của các DN trong việc triển khai các nội dung được giao; xử lý nghiêm minh với dự án chậm tiến độ triển khai do nguyên nhân chủ quan. Thành lập Tổ công tác liên Bộ có sự tham gia của AVIC và thiết lập cơ chế làm việc định kỳ để rà soát, trao đổi, đánh giá hoạt động đầu tư của VN tại CPC, giải quyết hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hai nước kịp thời giải quyết kịp thời các vướng mắc của DN. Ngoài ra, hai nước cần rà soát hệ thống cửa khẩu quốc tế để lựa chọn một số cửa khẩu trọng điểm để đầu tư xây dựng hạ tầng, giao thông...
AVIC cũng đề xuất Chính phủ CPC chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát để hoàn thiện quy trình cấp giấy chứng nhận sở hữu đất đai, tài sản đối với các DNVN đầu tư sang CPC; Chỉ đạo các địa phương hợp tác chặt chẽ với các DNVN để thực hiện tốt các cam kết về đầu tư; Cho phép các DNVN nghiên cứu, triển khai các dự án trồng cây công nghiệp và xem xét cấp đất cho DNVN; Thiết lập cơ chế riêng, phối hợp với phía VN trong việc cấp phép cho các dự án dọc tuyến biên giới hai nước.
Đối với Chính Phủ VN, AVIC đề xuất có cơ chế ưu đãi về tín dụng, nguồn vốn, chính sách thuế… đối với các DN đầu tư trong các lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, trồng cây công nghiệp tại CPC; Bộ KHĐT xem xét trình Chính Phủ cơ chế ưu đãi riêng trong cấp phép đầu tư dự án tại CPC, phối hợp với AVIC thường xuyên thông tin cập nhật cho DN những thay đổi trong chính sách kinh tế của CPC, những văn bản mới ký kết hai nước.
Với những đóng góp đó AVIC đã thể hiện hiệu quả vai trò là đầu mối tập hợp, gắn kết các DNVN có chất lượng, có tâm huyết và trách nhiệm, triển khai hoạt động đầu tư sang CPC. Hoạt động của các DNVN đã góp phần bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp, thắm thiết giữa hai quốc gia trong tiến trình hội nhập sâu rộng.