Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bà chủ ép osin xăm quái thú lên mặt bị bắt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều nay, cho rằng tố cáo của Thương về việc bị bà chủ đánh ghen, cạo trọc đầu, ép xăm 3 hình quái thú lên mặt và ngực là có cơ sở, Công an thành phố Vũng Tàu đã bắt bà này.

 
Bà Nguyễn Thị Anh (chủ quán cà phê ở Vũng Tàu) bị bắt để điều tra hành vi "làm nhục người khác". Cùng bị bắt với bà Anh là một nữ giúp việc. Cô này được xác định đã theo lệnh bà chủ "áp giải, khống chế" Thương đưa đi xăm.

Theo cảnh sát, sau một năm đi làm giúp việc cho gia đình bà Anh, Thương trở về quê tại tỉnh Nghệ An với đầu trọc lốc, có 3 hình xăm trên mặt và ngực. Thiếu nữ cho biết, thời gian đầu, bà Anh giao cho cô trông coi cửa hàng tạp hóa, sau đó làm việc ở quán cà phê. Thương bị bà Anh ép phải “chiều chuộng" những ông khách có "máu dê". Toàn bộ tiền bo phải nộp về cho bà chủ...

Cuối tháng 11, Thương bị em gái của bà chủ đưa đến ngôi nhà hoang trong thành phố tra hỏi về việc mối quan hệ với ông chủ. Theo Thương, quá sợ trước những lời đe dọa của người này, cô đã nhận bừa có “đi quá giới hạn” với ông này.

Sau thú nhận đó, cô bị bà Anh đánh đập, cắt trụi tóc và lông mày. Bà chủ ra điều kiện hoặc cô nhận ca axit vào mặt hoặc phải theo người của bà ta đi xăm hình ba con rết khá to vào mặt và ngực thì mới được "tha".

Đầu tháng 12, trở về quê, Thương đã tố cáo hành vi của bà Anh. Làm việc với nhà chức trách, bà Anh thừa nhận việc Thương từng giúp việc trong gia đình, nhưng cho rằng nội dung tố cáo trên là sai sự thật. Theo bà, do xảy ra mâu thuẫn trong lúc sống cùng nhau nên Thương đã vu cáo, dựng lên câu chuyện trên.

Xác minh vụ việc, các điều tra viên của Công an Vũng Tàu đã về Nghệ An gặp Thương. Với những chứng cứ thu thập được, công an Vũng Tàu cho rằng tố cáo của cô là có cơ sở.

Hôm qua, do vết xăm nhiễm trùng, Thương đã được một bệnh viện thẩm mỹ đón ra Hà Nội điều trị miễn phí.

Điều 121 Bộ luật Hình sự: Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

Phạm tội nhiều lần;

Đối với nhiều người;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Đối với người thi hành công vụ;

Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.