Không còn là cá biệt Thường xuyên dẫn khách đi du lịch nước ngoài, Phó Giám đốc Công ty TransViet Nguyễn Tiến Đạt đã tổng kết 8 hành vi không đẹp mà du khách Việt thường mắc phải: Mặc đồ ngủ ra đường; mất trật tự nơi công cộng; sai giờ hẹn; ăn uống xô bồ, bỏ thừa thức ăn; xả rác lung tung; trốn vé tàu điện, vé tham quan; ăn cắp vặt; lợi dụng chính sách du lịch thông thoáng để ngụ cư bất hợp pháp. Đáng buồn là những tật này không còn là cá biệt.
Ông Đạt chia sẻ: “Vì quá xấu hổ với những hành vi thiếu văn hóa từ chính các “thượng đế” của mình, nên tôi đã có ý tưởng phát động phong trào “Du lịch văn minh” và được Công ty ủng hộ. Theo đó, tất cả khách hàng của TransViet đều được phổ biến bộ quy tắc ứng xử trước khi khám phá điểm đến nào đó ở nước ngoài và cả trong nước. Nhờ vậy, những ứng xử chưa đẹp của du khách đã giảm tới 80%”. Tuy nhiên, ông Đạt thừa nhận, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Còn về lâu dài, cần sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục. Giáo dục từ nhỏ Ông Vũ Quốc Trí - Giám đốc Dự án EU cho rằng, để thói quen du lịch văn minh thấm vào từng du khách Việt, ngay từ khi còn nhỏ, gia đình, nhà trường cần rèn luyện thói quen ứng xử có văn hóa cho các em. Hiện nay, nhiều trường từ mầm non đến đại học thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại. Vậy, trong các buổi học đó, cần khéo léo dạy học sinh những kỹ năng cần thiết khi đi du lịch như: Không xả rác bừa bãi, đi đúng giờ, nhắc nhở những người khác khi có hành vi làm tổn hại điểm đến… Mặt khác, theo giảng viên Nguyễn Quang Vinh - Khoa Du lịch, Đại học KHXH&NV: “Tôi tin rằng, mỗi du khách đều muốn mình đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Có những nguyên tắc ứng xử chung như: Đi lại nhẹ nhàng, nói nhỏ và lịch sự, trang phục phù hợp…, song mỗi điểm đến lại có những quy định riêng. Chẳng hạn, châu Âu đi bên trái, châu Á đi bên phải. Do đó, đội ngũ hướng dẫn viên, người dẫn tour có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc định hướng hành vi ứng xử của du khách Việt ở nước ngoài”. Tuy nhiên, ông Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận: Chất lượng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, người dẫn tour hiện nay đang yếu. Đó là bởi người học thường chạy theo bằng cấp, còn người dạy chưa có những phương pháp, tài liệu hay. Đáng nói hơn, hầu hết hướng dẫn viên, người dẫn tour đều là “dân” ngoại ngữ chuyển tay ngang, số đào tạo chính quy tại các trường du lịch rất ít. Chia sẻ cách làm của Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa Vũ An Dân cho hay: “Chúng tôi có hẳn một khóa đào tạo bắt buộc về du lịch có trách nhiệm cho sinh viên. Trước khi tốt nghiệp, sinh viên phải hoàn thành khóa học, cùng với đó là môn Đạo đức kinh doanh. Trong đó, nhấn mạnh những kiến thức cần thiết cho các em về kỹ năng xử lý tình huống và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch nhằm ngăn chặn các hành vi xấu của du khách”. Giới chuyên môn cho rằng, đây là cách làm hay, các trường đào tạo du lịch có thể áp dụng. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và một số hãng lữ hành cũng đã ban hành bộ quy tắc “Du lịch văn minh”, các trường hoàn toàn có thể áp dụng vào công tác giảng dạy. Song nhìn toàn diện, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, chỉ ngành giáo dục nỗ lực là chưa đủ. Muốn nâng cao văn hóa du lịch của người Việt thì cần sự chung tay của toàn xã hội.
Tuyên truyền về du lịch văn minh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: An Khanh |