Bà May tìm "phương án B" trong tuyệt vọng cho Brexit

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khó khăn của "bà đầm thép" nước Anh sau một thỏa thuận Brexit thất bại trước Quốc hội giờ mới chỉ bắt đầu.

Thủ tướng Anh Theresa May hôm 17/1 đã cố gắng phá vỡ sự bế tắc trong giới tinh hoa chính trị nước này về phương thức rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) bằng cách tìm kiếm một thỏa thuận vào phút chót mặc dù có rất ít dấu hiệu thỏa hiệp.

Nỗ lực hai năm của bà May nhằm tạo ra một cuộc ly hôn hòa bình đã bị Quốc hội Anh đè bẹp, khiến bà vấp phải thất bại lớn nhất đối với một nhà lãnh đạo Anh trong lịch sử hiện đại.

Thủ tướng May hiện đang kêu gọi các nhà lãnh đạo đảng gạt bỏ lợi ích sang một bên để tìm cách tiến lên.

 Thủ tướng Anh Theresa May.

Nếu bà May không tạo được sự đồng thuận, nền kinh tế lớn thứ 5 của thế giới sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới mà không có thỏa thuận hoặc sẽ buộc phải dừng Brexit, thậm chí có thể tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia hoặc một cuộc trưng cầu dân ý khác.

Thủ tướng May đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng về một cuộc bầu mở cử mới, trong khi nhấn mạnh một cuộc trưng cầu dân ý khác sẽ làm suy yếu niềm tin vào nền dân chủ của 17,4 triệu người đã bỏ phiếu rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

“Tôi tin rằng nhiệm vụ của mình là phải tuân theo chỉ thị của người Anh rời khỏi Liên minh châu Âu”, bà May phát biểu bên ngoài Phố Downing.

“Tôi kêu gọi các nghị sĩ từ tất cả các bên đến với nhau để tìm cách tiến lên”, bà May khẳng định. “Đây là lúc để đặt lợi ích cá nhân sang một bên”, theo nữ Thủ tướng.

Trong bối cảnh Vương quốc Anh dấn thân vào cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, các thành viên khác của EU đã đề nghị đối thoại dù họ hầu như không thể thay đổi gì cho đến khi London tự quyết về Brexit.

Tuy nhiên, kể từ khi Vương quốc Anh bỏ phiếu với tỷ lệ 52-48% để rời EU vào tháng 6/2016, các chính trị gia Anh đã không tìm được tiếng nói chung về phương thức hay thậm chí là việc có nên rời Liên minh châu Âu hay không.

Trong một dấu hiệu minh chứng cho thấy nhiệm vụ của bà May vô cùng khó khăn, nhà lãnh đạo phe đối lập chính, Jeremy Corbyn của Công đảng, đã từ chối ngồi vào bàn đàm phán trừ khi kịch bản Brexit không-thỏa-thuận được loại trừ.

Công đảng muốn duy trì một liên đoàn hải quan thường trực với EU, mối quan hệ chặt chẽ với thị trường duy nhất và đem lại sự bảo đảm cho người lao động và người tiêu dùng nước Anh.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Bảo thủ của bà May, Brandon Lewis, hôm 17/1 cho biết  rằng Anh không thể ở lại trong liên đoàn minh hải quan hiện tại vì các thỏa thuận thương mại quốc tế nổi bật sau Brexit là ưu tiên hàng đầu.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần