Kể từ khi thành lập đến nay, từ Nhà trẻ đã có trên 20 cháu trưởng thành, ra ngoài học nghề, kiếm việc làm và lập gia đình. Cuộc sống của các em đã đổi thay rất nhiều từ những năm tháng sống dưới mái ấm của tình thương yêu này. Gian nan buổi ban đầu Được sự giúp đỡ của Tổ chức Thanh niên với sứ mệnh - Nhân đạo Cứu trợ và Phát triển châu Á (YWAM), tháng 7/2000, "Nhà trẻ em núi Tản Viên" đã chính thức đi vào hoạt động nhằm trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tản Lĩnh.
Những ngày đầu thành lập, việc duy trì hoạt động của Nhà trẻ khá khó khăn do nguồn kinh phí hạn chế, thường chỉ đủ để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt về cơ bản cho các cháu. Nhiều cháu đến với Nhà trẻ nhưng ý thức kỷ luật chưa tốt, hay quậy phá, đòi về... Với mức phụ cấp chỉ 250.000 đồng/tháng, trong khi phải trông nom việc ăn uống, ngủ nghỉ 24/24 giờ cho 20 đứa trẻ khiến nhiều người không mấy mặn mà, hoặc nản chí chỉ sau một thời gian ngắn. Trong hoàn cảnh đó, bà Toàn đã đứng ra đảm trách nhiệm vụ của "cô nuôi dạy trẻ" tại Nhà trẻ, thấm thoát đến nay đã gần 15 năm. Hiện, Nhà trẻ đặc biệt này là nơi cưu mang 19 mảnh đời bất hạnh, trong số đó, có tới 15 cháu không có sự chăm sóc của bố, mẹ hoặc là cả bố lẫn mẹ. Nỗi nhớ gia đình và "tuổi thơ dữ dội" khiến nhiều đứa trẻ mặc cảm, tự ti, khó hòa đồng… Bà Toàn kể, lúc mới nhận về Nhà trẻ, hầu như cháu nào cũng gầy yếu, nhếch nhác, cứ khóc mãi và chỉ chờ bà đi vắng để... trốn về nhà! Nhiều lần, bà phải chạy theo hàng cây số để dỗ dành, khuyên nhủ chúng trở lại. Lắm lúc, chúng bướng bỉnh đến phát bực, nhưng thay vì quát mắng, bà Toàn càng hỏi han nhiều hơn...
Cứ như vậy, ròng rã suốt 15 năm qua, bà Toàn lặng lẽ chăm lo cho những đứa trẻ với tâm niệm, không để đứa trẻ nào bị thiếu thốn tình yêu thương. Để rồi, chính sự kiên nhẫn và tình yêu thương chân thành ấy đã sưởi ấm những tâm hồn bị tổn thương. Giờ đây, tất thảy những đứa trẻ trong ngôi nhà chung đều gọi bà là mẹ. Chúng ngoan, chịu khó, sống thuận hòa và đều học rất khá, dù ít ai biết, đằng sau tiếng gọi mẹ rất đỗi bình dị đó là cả một câu chuyện dài, cảm động về tình mẫu tử của những người không cùng huyết thống. Như mái ấm thứ hai Tại Nhà trẻ, cháu nhỏ tuổi nhất hiện nay là Nguyễn Văn Thế Anh (9 tuổi) và lớn nhất là Phan Hồng Ngọc, sinh năm 1994, hiện là sinh viên trường Trung cấp Y Hà Nội. Trong số 19 đứa trẻ, bà Toàn thương nhất Phan Hồng Ngọc và em cũng là trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất. Ngọc mồ côi mẹ từ khi mới học lớp 6, trong khi người bố thì thần kinh không ổn định. Ở Hà Nội, Ngọc vừa đi học, vừa đi làm giúp việc cho một gia đình với mức lương khoảng 800.000 đồng/tháng. Tại Nhà trẻ này còn rất nhiều trường hợp trẻ sống trong cảnh gia đình thiếu vắng hơi ấm của người cha, người mẹ, trong khi kinh tế các hộ thì phần lớn thuộc diện nghèo nhất nhì các thôn, xóm của xã Tản Lĩnh. Đơn cử như trường hợp của em Lâm Anh Thơ, mồ côi bố từ khi học lớp 2. Mẹ hiện đi phụ hồ, thu nhập không ổn định. Hiện, em đang theo học lớp 6, trường THCS Tản Lĩnh bằng nguồn tiền trợ cấp từ Nhà trẻ. Dù hoàn cảnh đều rất khó khăn nhưng tất thảy thành viên của Nhà trẻ đều cố gắng học tập tốt, chưa có trường hợp cháu nào bị lưu ban hoặc phải nhận hạnh kiểm yếu. "Nhà trẻ em núi Tản Viên" giờ trở thành mái ấm thứ hai của những trẻ em kém may mắn ở xã Tản Lĩnh. Tại đây, những đứa trẻ được người mẹ hiền chăm sóc, nuôi dạy; có những người anh, người chị cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Tại đây, các em được ăn no, mặc ấm, được trợ cấp đến trường đầy đủ. Chúng tôi đã được chứng kiến cảnh những cô bé, cậu bé đi học về, chào tiếng mẹ rất lớn từ đầu ngõ. Mấy đứa nhỏ nhất chạy lại quàng tay ôm lấy cổ bà Toàn, rồi hết đứa này đến đứa khác huyên thuyên kể đủ thứ chuyện, từ chuyện hôm nay con được điểm tốt, được cô giáo khen, chê, nhắc nhở, tới những chuyện buồn vui liên quan đến các bạn trong lớp. Tiếng nói cười rôm rả khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Dâng mật ngọt cho đời Gần 15 năm xa nhà, dành sự quan tâm, lo lắng cho những "đứa con" không do mình dứt ruột sinh ra, việc làm đó của bà Toàn khiến nhiều người tò mò, thắc mắc: Việc nhà không lo, đi lo chuyện thiên hạ (?!). Ít người biết rằng, cuộc sống gia đình của bà Toàn đã có những giai đoạn rất khó khăn. Trong những năm chồng còn trong quân ngũ, bà một mình gánh vác công việc gia đình, làm lụng để nuôi dạy 3 con nên người. Khi đứa con út lên 3 tuổi, chồng bà Toàn mới trở về từ chiến trường nhưng đôi tai và sức khỏe đã không còn được như trước, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt. Bản thân bà Toàn sau nhiều năm lao động vất vả, hiện cũng đang bị thoái hóa cột sống.
Cũng có đôi lần, chồng bà Toàn muốn bà về chăm lo việc nhà, bởi muốn mở vườn nuôi ong, cần người phụ giúp. Hơn nữa, trong nhà có bóng dáng người phụ nữ cũng bớt hiu quạnh. Nhưng mỗi lần như vậy, bà lại gắng thuyết phục, xin ông được ở lại Nhà trẻ để chăm sóc các cháu, với lời hẹn: "Khi nào các cháu trưởng thành, em sẽ về!" Ấy thế nhưng từ đó tới nay, Nhà trẻ chưa khi nào vắng tiếng em thơ. Từng lớp trẻ đến rồi đi, chỉ riêng bà ở lại chốn này. Gần 15 năm ròng, đã có những lúc khó khăn khiến bà Toàn tưởng như không thể vượt qua. Tuy nhiên, chính tình cảm trân quý và sự kính trọng của những đứa trẻ đã tiếp thêm sức mạnh để bà Toàn tiếp tục sứ mệnh của mình. Ngoài sự hỗ trợ thường xuyên của Tổ chức YWAM, những năm gần đây, Nhà trẻ cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Điển hình như Nhà Xuất bản Kim Đồng với chương trình tặng sách, truyện, đồ dùng học tập năm 2012, hay "Nồi bánh chưng Tết" năm 2013; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty CP Ao Vua, tăng ni phật tử các đền Đá Đèn, đền Rừng già..., nơi thì ủng hộ quần áo, giày dép, tivi, quạt điện, nơi thì vật liệu xây dựng, kinh phí phục vụ tu sửa Nhà trẻ... Ngoài ra, hàng năm, UBND xã Tản Lĩnh đều tổ chức các chương trình ngoại khóa, chủ yếu là những chuyến đi du lịch cho các em. Khoảng 2 năm gần đây, huyện Ba Vì cũng tổ chức tặng quà cho Nhà trẻ nhân dịp Trung thu và Tết cổ truyền. Sự quan tâm của các đơn vị và địa phương là nguồn động viên, khích lệ có ý nghĩa lớn đối với các em nhỏ, để các em tiếp tục phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích. Bà Toàn chia sẻ, dù không khá giả gì nhưng bà là một trong những người giàu nhất thế gian, vì hiếm có ai có nhiều con như bà, ít ai hiểu được nỗi lòng con trẻ như bà, và không nhiều người có được niềm hạnh phúc như bà khi được tất thảy những đứa trẻ nơi đây gọi bằng mẹ. Khi được hỏi về mong muốn sau tất cả những điều đang cố gắng thực hiện, bà Toàn trầm ngâm: "Điều tôi mong nhất là không còn những đứa trẻ kém may mắn phải vào Nhà trẻ em núi Tản Viên nương nhờ nữa...".
Bà Phùng Thị Toàn và bé Lan Anh Thơ. |
Nhà trẻ em núi Tản Viên. |
Tủ sách chung ở Nhà trẻ em núi Tản Viên do các nhà hảo tâm ủng hộ. |
Bà Toàn là người tốt hiếm thấy. Bà đã giúp đỡ rất nhiều mảnh đời bất hạnh, những em nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa và nuôi nấng các em trở thành người có ích. Ông Lê Khắc Nhu Nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Tản Lĩnh Mẹ Toàn là người mẹ thứ hai của em, người đã bên cạnh em trong suốt những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Em sẽ không bao giờ quên ơn mẹ. Em chỉ mong sắp tới ra trường, kiếm được việc làm tốt để sau này trở về giúp đỡ các lớp em nhỏ tại nhà trẻ... Em Phan Hồng Ngọc Thành viên "Nhà trẻ em núi Tản Viên" |