Cái "bắt tay" ba nhà lần đầu tiên này bước đầu đã phát huy tác dụng, giúp thêm nhiều DN hồi sinh và phát triển.
Nhiều DN hồi sinh
Là một DN quy mô vừa, năm 2014, Công ty CP Khí Công nghiệp Đông Anh (KCN Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) đã rất nỗ lực để duy trì công ăn việc làm cho gần 100 lao động. Tăng cường công tác quản trị, tiết kiệm tối đa chi phí, có chiến lược kinh doanh rõ ràng… là cách để DN vượt qua khủng hoảng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của vốn NH cũng là "liều thuốc" giúp DN này "sống khỏe" hơn. Hiện, công ty đang có quan hệ tín dụng với VietinBank, Vietcombank với lãi suất 9% ngắn hạn và 10 - 11% cho vay dài hạn. "Năm 2014, thu nhập bình quân của của cán bộ công nhân viên công ty là từ 3 - 4 triệu đồng. Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng để giữ mức lương, thưởng bằng năm 2013 cho cán bộ, công nhân công ty, giúp họ đón Tết ấm áp hơn" - ông Lê Văn Nhẫn - Kế toán trưởng Công ty CP Khí Công nghiệp Đông Anh nói.
Công ty CP Khí Công nghiệp Đông Anh chỉ là một trong hàng ngàn DN trên địa bàn Hà Nội đã duy trì và phát triển sản xuất cũng như công ăn việc làm cho công nhân nhờ sự hỗ trợ của vốn NH trong chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngày 20/5/2014, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 105/KH-UBND về kế hoạch thực hiện chương trình kết nối NH - DN. Công văn yêu cầu, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội làm đầu mối phối hợp với các địa phương, quận, huyện, sở, ngành… chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho từng khách hàng cụ thể đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay đối với khách hàng tham gia chương trình phổ biến ở mức 7 - 8%/năm, nhưng không vượt mức 8%/năm đối với ngắn hạn; phổ biến ở mức 9 - 10,5%/năm, nhưng không vượt mức 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Năm 2014, UBND TP Hà Nội và NHNN Chi nhánh Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều đoàn trực tiếp tiếp xúc và nắm bắt các khó khăn của DN trên địa bàn TP và các quận, huyện. Các cuộc hội nghị lắng nghe và tháo gỡ khó khăn về vốn cũng được tổ chức đều đặn với sự tham gia cam kết hỗ trợ vốn lãi suất thấp hoặc điều chỉnh lãi suất với các món vay cũ cũng được các NH thương mại trên địa bàn tích cực tham gia.
Hơn 11.000 tỷ đồng vốn lãi suất thấp hỗ trợ DN
Tính đến 31/12/2014, các NH cam trên địa bàn đã cam kết theo chương trình kết nối NH - DN khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ dự tính đạt khoảng 11.100 tỷ đồng. Mức lãi suất trong chương trình kết này đã giảm 5 - 6% so với mặt bằng chung của lãi suất cũ, giúp DN giảm gánh nặng về chi phí sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN. Đó là các chính sách hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho sản xuất, bất động sản, tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cùng các chính sách miễn, giảm, giãn thuế… cho DN. "TP quan tâm và chia sẻ với DN, nhưng DN cũng phải tập trung "nâng cấp" bản thân bằng cách tái cơ cấu trên các lĩnh vực vốn, đầu tư, thị trường, quản lý như chủ động xây dựng giá thành hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chọn lọc công nghệ phù hợp, liên kết để hỗ trợ lẫn nhau" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã bước đầu tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường nhưng vẫn làm ăn theo kiểu manh mún vì không đủ vốn để đầu tư lớn. Bởi vậy, nhiều DN cho rằng, cần phải có các chính sách hỗ trợ họ tăng sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh các tập đoàn, công ty nước ngoài đang ồ ạt tìm cơ hội tại Việt Nam hiện nay.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, nhiều DN đề xuất, cần tăng cường hơn nữa kênh đối thoại giữa NH - chính quyền và DN. "Tôi mong, UBND các tỉnh, TP, NHNN, NH thương mại cùng các cơ quan, ban, ngành… sắp xếp nhiều hơn nữa các cuộc gặp gỡ và đến tận DN để biết họ vướng mắc ở đâu, NH cần hỗ trợ những gì và DN cần làm gì để có thêm cơ hội tiếp cận vốn" - ông Phạm Đức Dũng - Giám đốc Công ty CP Mật ong Đức Dũng đề xuất ý kiến.
Năm qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách để hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Linh Anh
|