Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bà nội trợ lo lắng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi các lực lượng chức năng đang tập trung kiểm tra, xử lý nhằm hạn chế việc vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập lậu thì những thông tin gà nhập lậu kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe đã khiến người tiêu dùng cảnh giác hơn với loại thực phẩm này.

Tự bảo vệ mình trước 

Chị Thu Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) kiên quyết nói "không" với gà siêu rẻ. Chị cho biết, trước đây, "gà mía" có giá khoảng 70.000 -75.000 đồng/kg. Đợt này, thấy giá rẻ quá nên rất hoang mang, không dám mua về ăn nữa. Cùng chung quan điểm, chị Hoa (Láng Hạ) cho hay, chị luôn cảnh giác với loại gà siêu rẻ, đặc biệt là gà thịt sẵn. "Tôi có con nhỏ nên biện pháp duy nhất là thường mua gà của người quen" - chị Hoa cho biết.

Bà nội trợ lo lắng - Ảnh 1
Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc.Ảnh: Việt Linh  
Chị Lan (nhân viên một công ty máy tính) cho biết, thông thường mỗi tuần, gia đình chị vẫn có 2 bữa "cải thiện" bằng thịt gà. Khi quá bận, chị cũng mua gà làm sẵn. "Hỏi thì người bán toàn bảo gà quê nên tôi rất tin tưởng. Nhưng bây giờ…" - chị Lan ngán ngẩm thở dài. Bởi vậy, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có thông báo chính thức về chất lượng thịt gà có nên sử dụng hay không, tốt hơn hết, người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình, không nên ham rẻ mua các loại thực phẩm kém chất lượng.

Qua khảo sát của phóng viên tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ 8/3, Hàng Bè, Nghĩa Tân, Thành Công… sức tiêu thụ đã giảm mạnh. Tuy vậy, mặt hàng này vẫn có lượng khách hàng là chủ các quán cơm bụi, cơm văn phòng. Thịt gà thải thường được chủ quán mua để chế biến thành thịt gà nấu đông, thịt gà rang hoặc gà om nấm… những món ăn vốn cần nhiều gia vị khi chế biến sẽ át mùi thơm của thịt gà, dễ đánh lừa vị giác. 

Theo một tiểu thương kinh doanh gia cầm, gà thải loại từ Trung Quốc thường là loại gà mái công nghiệp lông màu nâu nhạt, kích thước to gấp 1,5 lần gà mía, dưới gốc lông màu nâu sáng. Để phân biệt là gà thải, gà ta dựa vào đặc điểm, sau khi giết mổ, da của gà thải có màu trắng nhợt, hoặc tái trong khi da gà ta thường có màu hơi vàng, tươi. Thịt gà thải khi sờ vào thường gầy, thịt săn hơn gà ta. Khi luộc hoặc sơ chế, thịt gà thải không thơm, dai và không ngọt thịt, thậm chí, nhiều con gà thải sau khi luộc vẫn còn thoang thoảng mùi… thuốc kháng sinh.

Giá một số thực phẩm tăng nhẹ

Trong 10 tháng của năm 2012 và những ngày đầu tháng 11, toàn TP đã bắt và tiêu hủy 130 tấn gia cầm không rõ nguồn gốc. Vì thế, lượng gà thải về các chợ đã giảm, giá gà trong nước do đó tăng đáng kể. Với loại gà công nghiệp giá đã tăng từ 50.000 lên 70.000 đồng/kg, gà đồi Bắc Giang, giá tăng khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg, ở mức 80.000 - 95.000 đồng/kg gà lông. Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng phải tạm chia tay với món thịt gia cầm này thì ngay lập tức, các loại thực phẩm khác, đặc biệt là một số loại thực phẩm thiết yếu như thịt bò, thịt lợn, tôm cá trở nên đắt giá. Chị Hà, bán thịt bò ở chợ Hàng Da (Hà Nội) cho biết, trong vòng 2 tuần nay, thịt bò đã tăng giá bán buôn 5.000 - 10.000 đồng/kg nên giá bán đến tay người tiêu dùng cũng phải tăng theo. Giá thịt lợn cũng tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg thịt các loại. Hải sản tại chợ 8/3, chợ Hàng Da đều tăng 3 - 5%, có mặt hàng tăng tới 10%. Không chỉ có thịt lợn, bò, các loại cá tươi cũng đã tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Chị Hòa, khách hàng tại đây cho biết: Là người nội chợ có thu nhập thấp nên muốn gia đình có một bữa ăn đủ chất, an toàn, chị sẽ chuyển sang những loại thực phẩm khác. Còn thịt gà, chị chỉ mua ở siêu thị.