Kinhtedothi - Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, để Nhân dân được hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đó chính là cách Bác Hồ vận dụng để lãnh đạo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, đánh dấu mốc son chói lọi trên chặng đường xây dựng và phát triển. Không có ngoại lệ PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích: Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Tuy vậy, sau ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ gặp rất nhiều khó khăn ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Và để giải quyết tình hình này, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị sớm có một cuộc bầu cử để thông qua Hiến pháp. Người nói: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải có tổ chức càng sớm càng hay, cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu!”.
Từ chủ trương ban đầu được Chính phủ lâm thời chấp thuận, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 quyết định Tổng tuyển cử trong cả nước; ngày 20/9/1945, ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp; ngày 26/9/1945, ký Sắc lệnh số 39 về việc thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử; ngày 17/10, ký Sắc lệnh số 51 về quy định thể lệ bầu cử, ấn định ngày Tổng tuyển cử. Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Nhân dân được đi thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, cử tri cả nước nô nức chuẩn bị đi bầu cử ĐB Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Tuy nhiên, lợi dụng dịp này, các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước chống phá, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, do đó, công tác vận động cử tri yên tâm, tin tưởng đi đến các thùng phiếu bầu cử có ý nghĩa sống còn đối với chính quyền cách mạng. Trong bối cảnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ cho đồng bào: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết”. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc kể: Thể hiện lòng kính yêu đối với Người, đồng bào và Ủy ban hành chính nhiều nơi gửi thư cho Chính phủ đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không cần ra ứng cử ở một TP hoặc một tỉnh nào, để Nhân dân cả nước có thể bỏ phiếu cho Bác. Ai cũng muốn được ghi tên Hồ Chí Minh trên lá phiếu của mình. Trước tấm thịnh tình và tuyệt đối tín nhiệm của đồng bào, đồng chí, Hồ Chí Minh đã viết một bức thư ngỏ gửi đồng bào, đồng chí: "Tôi rất cảm động được đồng bào yêu quý mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên cũng không thể ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới". Niềm tin lớn lao Trước bầu cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” in trên Báo Cứu quốc số 134 ra ngày 5/1/1946 với những lời lẽ thắm thiết, mạnh mẽ kêu gọi, động viên, cổ vũ quốc dân đi bỏ phiếu. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thực sự là ngày hội lớn của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu tại hòm phiếu ở phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội). Kết quả Tổng tuyển cử, cử tri cả nước đã bầu được 333 ĐB vào Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử 98,4% số phiếu bầu, một bằng chứng hùng hồn về uy tín của Hồ Chí Minh trong các tầng lớp Nhân dân. Mặt trận Việt Minh cũng thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử. Trong số ứng cử viên được bầu vào Quốc hội, có 105 đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam ứng cử với tư cách độc lập.
Ít ngày nữa, cử tri cả nước sẽ nô nức đi bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó luôn đề cao sự dân chủ, bình đẳng và quyền lợi Nhân dân đến nay vẫn còn tươi mới. Và ngày 22/5/2016, mỗi cử tri được “tự do lựa chọn và bầu ra người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước” như lời dạy của Bác năm xưa. Đó là việc làm thiết thực nhất để xây dựng, phát triển đất nước và tri ân nhân dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử |
Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. |