Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ, chứng khoán Trung Quốc leo lên mức cao nhất gần 1 năm

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 2/1 sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng chậm lại.

Hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020 nhờ được thúc đẩy từ thông tin tích cực  tại thị trường Trung Quốc sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế chậm lại.
Các nhà đầu tư tại thị trường châu Á phấn khích trong phiên giao dịch này nhờ kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau nhiều tháng đàm phán khó khăn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
 Chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên 2/1.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng điểm trong ngày 2/1 với chỉ số chứng khoán tương lai Euro Stoxx 50 nhích 0,62%, chỉ số FTSE của Anh cộng 0,31%, tuy nhiên chỉ số DAX của Đức sụt nhẹ 0,18%.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,43%. Chỉ số này đã leo dốc 5,6% trong tháng 12/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/12 cho biết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ được ký kết vào ngày 15/1 tới tại Nhà Trắng.
Hy vọng về một giải pháp tiến tới chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã giúp thúc đẩy cổ phiếu toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm ngoái. Chỉ số MSCI toàn cầu của cổ phiếu tại 49 quốc gia giao dịch ở mức 565.28 điểm trong phiên giao dịch ngày 2/1. Chỉ số này đã thiết lập mức cao nhất mọi thời đại là 567,80 điểm trong phiên ngày 27/12/2019.
Trong phiên giao dịch này, chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc nhảy vọt 1,86%, đạt mức cao nhất kể từ ngày 7/2/2018.
Tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng cộng 1,05%.
Các nhà đầu tư trên thị trường phấn khích sau khi Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PboC) hôm 1/1 cho biết từ ngày 6/1, họ sẽ giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng cho vay phải dự trữ, "giải phóng" khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (114,6 tỷ USD), nâng khả năng thanh toán dài hạn nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Ngày 1/1, PBoC thông báo sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các thể chế tài chính khoảng 50 điểm cơ bản vào ngày 6/1 tới để thúc đẩy nền kinh tế. Theo một quan chức thuộc PBoC , động thái này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu về tiền mặt tăng mạnh ở Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng này nhằm duy trì tính thanh toán chung trong hệ thống ngân hàng ổn định về cơ bản.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu cho thấy một số dấu hiệu chạm đáy, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn chịu nhiều áp lực và kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có thêm những động thái mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn trong những tháng tới.
Jim McCafferty, phụ trách nghiên cứu cổ phiếu châu Á của công ty chứng khoán Nomura ở Hồng Kông, nhận xét: “Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích cho các công ty”.
Chỉ số chứng khoán Australia tăng nhẹ 0,1%. Trong khi đó, chỉ số Kospi của thị trường Seoul giảm 0,85%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn đóng cửa nghỉ lễ trong phiên 2/1.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng USD tăng so với các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên giao dịch ngày 2/1. So với đồng yen Nhật, tỷ giá USD tăng 0,03% đạt tỷ lệ 108,73 yen.
Chỉ số đồng USD, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chính khác, nhích 0,23% lên 96,606 điểm./.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần