Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bác sĩ Trần Duy Hưng - Vị Chủ tịch và lời thề Hippocrates

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm ác liệt của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, bác sĩ Trần Duy Hưng đã tự tay viết thư xin cho 2 con trai mình vào quân đội.

Sau đó, ông lại động viên người con út tình nguyện xung phong ra trận… Tinh thần xả thân vì độc lập dân tộc mà vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội để lại mãi là bài học cao đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

“Khẩn khoản”,  sốt sắng với tiền tuyến

Trong nhóm hiện vật “Đơn tình nguyện của cán bộ, viên chức, sinh viên Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu” của Bảo tàng Chiến thắng B52 tọa lạc tại phố Đội Cấn - Hà Nội, lá thư (mang số hiệu lưu trữ 135 G – 65) được bác sĩ Trần Duy Hưng viết tay bằng bút mực đen trên tờ giấy khổ nhỏ có in sẵn tên “Trần Duy Hưng”, đề ngày 16/4/1965.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô năm 1954.  	Ảnh: Đào Trình
Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Ảnh: Đào Trình
Lá thư gửi tới Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, nguyên văn: “Kính gửi Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô. Tôi xin gửi tới các đồng chí đơn xin nhập ngũ của hai con trai tôi, một con trai cả là Trần Quốc Ân, 26 tuổi, đảng viên, kỹ sư Tổng cục địa chất, con trai bé là Trần Thắng Lợi 16 tuổi học sinh lớp 9. Các con tôi có khẩn khoản nhiều lần để “nói” với các đồng chí cho được phục vụ trong hàng ngũ quân đội. Tôi rất thông cảm với những yêu cầu của các con tôi những ý muốn rất chính đáng của thanh niên trong lúc này. Vì vậy tôi rất mong các đồng chí xét đến nguyện vọng tha thiết của các con tôi. Chào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Trần Duy Hưng, Ủy ban Hành chính Hà Nội”.

 Lá thư chưa đầy trang giấy đó thực sự là một biểu tượng của tinh thần xả thân vì độc lập dân tộc của những người Thủ đô. Lá thư ấy vắt qua hai thế kỷ vẫn là một kỷ vật mà người Hà Nội luôn tự hào của một thời hào hùng “Hà Nội quyết hy sinh tất cả vì độc lập, tự do”. Câu chuyện sau này về bức thư ấy, chúng tôi được nghe tường tận từ tâm sự của ông Trần Chiến Thắng, con út bác sĩ Trần Duy Hưng vào những ngày Hà Nội náo nức kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Sau lá thư “khẩn khoản” tha thiết mong ra trận này, chỉ có ông Trần Thắng Lợi được tiếp nhận vào đơn vị phòng không. Năm 1972, lúc chiến tranh ác liệt nhất, ông Trần Chiến Thắng được bố động viên viết đơn bằng máu xin ra mặt trận. Ông Thắng khi đó 18 tuổi, ông sinh năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại nên được bác sĩ Trần Duy Hưng đặt tên Chiến Thắng. Từ Hà Nội, ông Thắng ra thẳng chiến trường Quảng Trị khốc liệt, sau đó, ông đã bị thương tại chiến trường này.
Lá thư của bác sĩ Trần Duy Hưng được lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng B52.
Lá thư của bác sĩ Trần Duy Hưng được lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng B52.
Trong ký ức của người con trai út, vào thời điểm sắp ra chiến trường đánh Mỹ là hình ảnh người cha luôn gắn liền với khói lửa chiến tranh… Những ngày Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, ông Chủ tịch TP tự lái xe đến tất cả những nơi bị đánh phá, nhiều lần ông trực tiếp giúp các y tá, bác sĩ băng bó cho những người bị thương. Ông tự tay nhặt từng bộ phận thi thể của các nạn nhân trong những trận bom Mỹ…

Nhiều người dù bị thương đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng của vị Chủ tịch. Khi bom Mỹ đánh trúng một góc tòa Đại sứ quán Pháp, dứt tiếng máy bay, ông đã có mặt để thăm hỏi, chia sẻ khi các nhân viên ngoại giao vẫn còn ở dưới hầm trú ẩn. “Cha tôi nói, nhiều người khác có thể làm điều đó, nhưng nhìn cha làm, người dân sẽ bớt bị hoảng loạn vì ông Chủ tịch TP đang ở đây, cùng chúng ta. Vào lúc cùng cực nhất, người dân cần nhìn thấy người lãnh đạo ở bên cạnh mình”, ông Thắng cảm nhận được trái tim giàu tình yêu thương của cha mình.

Tuy nhiên, với tình cảm hai cha con thì đó là một khoảng thời gian buồn len lén. Người con trai mới lớn 18 tuổi trước giờ ra trận có bao chuyện cần nói với cha - Người cha gửi người con út bé nhỏ ra tuyến đầu chống giặc cũng có bao chuyện muốn nói với con. Thế nhưng công việc của một vị Chủ tịch TP giữa lúc căng thẳng nhất, khi bom Mỹ đang ngày đêm tàn phá Hà Nội đã lấy hết khoảng thời gian quý báu của họ.

Can trường, dũng cảm ở hậu phương

Ông Trần Chiến Thắng kể lại: “Cha tôi sinh năm 1912 tại xã Xuân Phương, Từ Liêm (nay thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm), Hà Nội. Năm 30 tuổi, ông trở thành bác sĩ rồi cùng em gái mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm. Nổi tiếng về chuyên môn nhưng điều ông được đồng nghiệp và nhiều người dân Hà Nội thời đó yêu quý bởi sự đức độ, tấm lòng bao dung, nhân hậu của người thầy thuốc, sẵn sàng cưu mang và cứu giúp dân nghèo. Tại cơ sở chữa bệnh của mình, cha tôi đã cứu giúp và chở che nhiều cán bộ Việt Minh giữa vòng vây bố ráp của kẻ thù. Lòng yêu nước của cha tôi ngày càng sâu sắc rồi biến thành hành động khi ông tự nguyện làm cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng tháng Tám năm 1945”.
Ông Trần Chiến Thắng tại nhà tưởng niệm bác sĩ Trần Duy Hưng     (phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm). 	Ảnh: Nam Hải
Ông Trần Chiến Thắng tại nhà tưởng niệm bác sĩ Trần Duy Hưng (phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm). Ảnh: Nam Hải
Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã tìm đến nhà và đề nghị bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch TP Hà Nội khi ông mới 33 tuổi. Ông Thắng kể: “Lúc đó cha tôi quá bất ngờ trước vinh dự và trọng trách lớn lao nên xúc động đáp: “Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm...”. Nghe vậy, Bác Hồ đã động viên: “Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen. Điều quan trọng nhất là mang lại nhiều lợi ích cho người dân”. Chính vì lời động viên của Bác Hồ mà cha tôi đã nhận trọng trách làm người đứng đầu một Thủ đô non trẻ, đầy chông gai và khó khăn. Đến năm 1954, ông còn là Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tháng 10/1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, dẫn đầu đoàn quân tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thủ đô Hà Nội (sau này là UBND TP) cho đến năm 1977”.

Dưới thời bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch, Hà Nội từng có nhiều chính sách mạnh mẽ để đạt nhiều thành tựu lớn: Năng suất lúa cao nhất miền Bắc, hoạt động công - thương nghiệp đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân rộng ra cả nước, tuy nhiên, khu bếp, vệ sinh chung khá bất tiện. Rút kinh nghiệm, Chủ tịch Trần Duy Hưng cho xây dựng thêm những khu nhà tập thể hai tầng, nhưng lúc này là nhà nhỏ khép kín.

Ngay từ những năm 1960, Nhà nước có chính sách phân phối nhà cho cán bộ, công chức, được sự nhất trí của Thành ủy, TP Hà Nội đã triển khai việc bán căn hộ theo cách trả dần, một mặt để có thêm ngân sách, còn các gia đình có điều kiện để sửa sang nhà cửa đẹp hơn.

Việc làm mạnh mẽ và can trường nhất mà ông Trần Duy Hưng đã dám làm vào thời điểm chiến tranh ác liệt là: Cho phép các hộ tư nhân sản xuất và bán những đồ gia dụng mà Hà Nội cực kỳ thiếu vào lúc đó. Thời kỳ này, đây là việc rất cấm kỵ, tuy nhiên, nhóm hàng gia dụng lại là những đồ dùng cực kỳ thiết yếu nên tác dụng của nó đã xóa nhòa đi phần nào ranh giới đúng – sai rất nhạy cảm của thời chiến.

Đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều gia đình tại Hà Nội giữ lại được cây đèn dầu Hoa Kỳ 3 bấc của tổ hợp các hộ tư nhân chợ Đồng Xuân – Bắc Qua sản xuất hồi đó. Thời điểm bom Mỹ dập vùi Hà Nội, nếu với đúng quy định: Mỗi năm được mua phân phối một chiếc đèn dầu thì chắc Hà Nội chả còn mấy gia đình có đèn để thắp. Ngoài ra, xoong nồi, dao, đũa, bát… cũng nằm trong số những sản phẩm được Chủ tịch Trần Duy Hưng cho phép sản xuất tư nhân để phục vụ Hà Nội đang bị bom Mỹ tàn phá.

Đây là sự dũng cảm “xé rào” của bác sĩ Trần Duy Hưng trong thời điểm cam go này. Quyết định dũng cảm của vị Chủ tịch Hà Nội chỉ có thể xuất phát từ trái tim và ý chí của một người thầy thuốc với lời thề Hippocrates in sâu trong tâm trí: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”.

70 năm sau ngày Tết Độc lập (2/9) và 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), những câu chuyện về bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội vẫn để lại cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm. Vượt lên tất cả đó là tấm gương về một nhà lãnh đạo luôn giữ tấm lòng “vì nước, vì dân” mà Thủ đô đã có được.