Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bác tin “chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự...

Kinhtedothi - Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) vừa bác bỏ thông tin được một số phương tiện truyền thông trích dẫn theo nguồn điều tra khách du lịch của Dự án này là "chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam". Ông Kai Partale - chuyên gia quốc tế của Dự án EU khẳng định, cách nhận định như vậy không chính xác và không đúng với bản chất của số liệu.

Thông tin không đúng bản chất số liệu

Ông Kai Partale cho biết, triển khai Kế hoạch hoạt động năm 2014, Dự án EU huy động chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện việc điều tra khách du lịch tại 5 điểm đến thí điểm gồm: Sa Pa, Hạ Long, TP Huế, TP Đà Nẵng và Hội An, trong giai đoạn tháng 3 - 4 và tháng 7 - 8 năm nay. Đối tượng điều tra là du khách quốc tế nói tiếng Anh và khách du lịch nội địa.

Căn cứ trên kết quả điều tra, các chuyên gia của Dự án đã phản ánh thông tin "Các điểm du lịch của Việt Nam hầu như thu hút khách du lịch quốc tế mới đến thăm lần đầu. Khoảng 90% là khách lần đầu tiên đến thăm các điểm đến. Lượng khách quốc tế quay lại các điểm du lịch này lần thứ hai chiếm khoảng 6%. Tỷ lệ khách quốc tế quay lại lần 3 là 2%, từ 4 lần trở lên là 3,2%. Như vậy tổng số khách quốc tế quay lại một trong năm điểm đến lên tới 11,2%".

 
Khách du lịch quốc tế mua quà lưu niệm tại SaPa, tỉnh Lào Cai. Ảnh:Văn Phúc
Khách du lịch quốc tế mua quà lưu niệm tại SaPa, tỉnh Lào Cai. Ảnh:Văn Phúc
Là người trực tiếp theo dõi hoạt động điều tra khách du lịch, ông Kai Partale khẳng định: "Không thể sử dụng con số 6% khách nói tiếng Anh được khảo sát tại 5 điểm đến thí điểm để phản ánh tỷ lệ tổng thể của khách du lịch quay lại Việt Nam. Bởi, con số này chưa bao hàm các khách du lịch không nói tiếng Anh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Như vậy, cách nhận định "chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam" là không chính xác và không đúng với bản chất của số liệu.

Việc sử dụng số liệu không đầy đủ để đưa tin có thể khiến người đọc hiểu sai kết quả của cuộc điều tra và có cái nhìn thiên lệch đối với xu hướng khách quốc tế quay trở lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam". Mặt khác, các du khách có quay lại Việt Nam nhưng lại tới thăm các điểm du lịch khác không phải là một trong số 5 điểm đến được khảo sát kể trên.

Hơn 34% khách quốc tế quay trở lại Việt Nam 

Trong khi đó, cũng theo kết quả điều tra của Dự án EU, khách du lịch quốc tế và trong nước đều cho biết sẵn sàng quay lại hoặc giới thiệu các điểm du lịch này với người khác. Còn theo đại diện Tổng cục Thống kê: Số liệu thống kê về tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam được công bố chính thức tại tài liệu "Kết quả điều tra chi tiêu của khách du lịch năm 2013" do Tổng cục Thống kê phát hành năm 2014, trong năm 2013, có 66,1% khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu; 20,1% khách quốc tế đến lần 2 và 13,8% khách quốc tế đến lần 3. Như vậy, tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam là hơn 34% vì chưa kể khách quốc tế quay lại nhiều hơn 3 lần.

Rõ ràng, những thông tin du lịch do một số phương tiện truyền thông trích nguồn nhưng không kiểm chứng qua thực tiễn, hoặc trích dẫn số liệu không đầy đủ đã gây hiểu lầm cho người đọc. Thậm chí, gây hoang mang cho du khách khi đến Việt Nam nói chung, một số điểm đến nói riêng.

Về vấn đề này, ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho rằng: "Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng có sức ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của du khách trong và ngoài nước". Vì thế, "Trước khi đưa ra một thông tin hay số liệu nào đó, đặc biệt là những thông tin bất lợi cho ngành du lịch, các phương tiện thông tin đại chúng cần xác minh trên thực tế, so sánh với nhiều tài liệu chính thống khác và tham khảo ý kiến của các nhóm đối tượng có liên quan để có cái nhìn đa chiều. Có như vậy mới tránh gây hiểu lầm cho độc giả và du khách, đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam xinh đẹp, hòa bình, thân thiện, hiếu khách đến bạn bè quốc tế" - ông Dũng nhấn mạnh.
Dự án EU là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ với mục tiêu tổng quát là đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015.