Báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo và các cựu sinh viên lĩnh vực KHXH&NV về vấn đề này. Bài 1: Sức hút kém
Ông Nguyễn Xuân Cát (Nguyên giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền): Cần giải pháp cho từng ngành cụ thể
Tôi từng là giảng viên môn Lịch sử và đến nay vẫn đi chấm thi tuyển sinh môn Lịch sử. Chưa năm nào tôi thấy buồn khi nhìn kết quả thi Lịch sử của thí sinh như năm nay, gần như đều làm bài theo kiểu "chép bừa". Nhưng tôi nghĩ không thể trách các em, bởi chương trình Lịch sử chỉ thiên về cung cấp sự kiện, con số mà không chỉ cho học sinh thấy tác dụng của lịch sử đối với cuộc sống hiện tại, cũng như mang lại điều gì cho các em trong tương lai. Bởi thế, các em sẵn sàng dành thời gian cho tin học, ngoại ngữ, hay những môn được cho là hữu ích khác.
Ngay xu thế chọn ngành cũng phản ánh điều đó, nếu nói rằng toàn bộ ngành KHXH&NV kém sức hút cũng không đúng. Nhiều ngành như luật, báo chí, truyền thông, quốc tế... của trường ĐH KHXH&NV, hay quan hệ quốc tế, quan hệ công chúng... ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền vẫn thu hút nhiều thí sinh thi và điểm tuyển đều trên dưới 22 điểm. Số ngành bị giảm chính là những ngành nặng về nghiên cứu như triết học, ngôn ngữ, lịch sử, văn học... hay lịch sử Đảng, đây là những ngành không cần nhiều nhân lực, nên khó kiếm việc làm. Mà vào học ĐH cũng là học nghề, hay nói cách khác học nghề ở trình độ cao. Tức là ra trường họ phải hành nghề và kiếm sống. Như vậy có nghĩa thị trường lao động tự điều chỉnh nhu cầu đào tạo. Nên sự sụt giảm của khối KHXH cần nhìn nhận đối với từng ngành cụ thể và giải pháp cũng cần khác nhau cho từng ngành, hay nhóm các ngành.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (Giảng viên ĐH KHXH&NV HN): Hệ giá trị đang bị đảo ngược
Nhiều người nói rằng ngành KHXH&NV bây giờ "đuối" do giáo trình quá hàn lâm, cách dạy không mấy đổi mới, do khó kiếm việc làm…, tất cả những điều đó đều đúng, nhưng đấy chỉ là một phần. Theo tôi, điều quan trọng nhất là dường như hệ giá trị trong xã hội đang bị đảo ngược. Đất nước ta vừa thoát ra khỏi nghèo khó, nên cả xã hội tập trung cho phát triển kinh tế và hệ quả là người ta quá coi trọng những giá trị vật chất mà "coi thường" hay lãng quên đi những giá trị tri thức, văn hóa, tinh thần, mà nền tảng là ngành KHXH&NV. Điều ấy rất đáng lo ngại. Bởi đến một lúc nào đó, khi nhu cầu vật chất đã bão hòa, những giá trị tinh thần sẽ lại trở nên quan trọng và không thể thiếu. Nhưng lúc ấy, mỗi người, nói rộng ra là cộng đồng, hay nói rộng ra nữa là toàn xã hội vốn không được chuẩn bị, sẽ rơi vào hẫng hụt.
Thực tế đã chứng minh rằng, có những người rất giàu nhưng không hạnh phúc, họ luôn thấy bất ổn trong tâm hồn, thấy rối vì không biết điều hòa những vấn đề thuộc về cuộc sống, gia đình, con người, nhân cách thế nào cho phù hợp. Nhưng ngược lại có những người còn thiếu thốn vật chất nhưng lại giàu tri thức văn hóa, tri thức tinh thần và họ vẫn ngẩng cao đầu và sống hạnh phúc.
Bởi vậy, để ngành KHXH&NV thực sự được coi trọng, ngoài những thay đổi mang tính kỹ thuật về chương trình, cách dạy, sự thay đổi lớn hơn về đường hướng, nguồn nhân lực, cái quan trọng là phải làm cho mọi người hiểu rằng giá trị văn hóa, tri thức tinh thần mới là điều cần hướng tới trước tiên.
Chị Nguyễn Thanh Thủy (Nguyên sinh viên khoa Văn, Trường Đại học KHXH&NV): Nếu khoa học xã hội thực tiễn hơn
Cách đây 10 năm, tôi tốt nghiệp khoa Văn học, ĐH KHXH&NV Hà Nội. Tôi cũng cầm tấm bằng với băn khoăn không biết xin vào đâu, làm nghề gì. Để rồi cuối cùng làm một việc không có liên quan gì là Kế toán và phải bổ sung thêm một văn bằng 2 của ĐH Kinh tế quốc dân. Nhưng phải nói rằng tôi chưa bao giờ ân hận vì đã yêu thích cũng như chọn ngành này.
Tôi nghĩ khi có con, tôi cũng truyền cho con tôi tình yêu văn học, lịch sử, nhưng để hướng cho con theo học ngành KHXH&NV lại là điều tôi không bao giờ nghĩ tới. Bởi yêu thích là một chuyện, để sống với nó lại là chuyện khác. Tôi đồng ý với các chuyên gia rằng, chỉ cần có giải pháp để học sinh yêu thích các môn KHXH. Nhưng thực sự rất khó thực hiện hiện nay khi mọi thứ quay rất nhanh và thế hệ trẻ sống rất thực tế, chỉ quan tâm đến những gì thiết thực cho cuộc sống của bản thân mình. Thiết nghĩ, để người học không quay lưng, ngoài việc bỏ đi cách dạy hàn lâm, nặng về sách vở, khơi gợi cho học sinh tình yêu với môn học. Cái quan trọng hơn là có đường hướng để cho thế hệ trẻ biết những kiến thức đó ứng dụng làm gì, vào việc gì và cái đích họ có thể đi tới.
Chị Nguyễn Vi An (Nguyên giáo viên môn Lịch sử, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): Không phải ai cũng học giỏiđược khối C, nhưng...
Tôi chọn học khối C theo sở trường của mình cùng với sự hướng dẫn của một cô giáo mà tôi thần tượng, cô giáo Lịch sử. Cấp 3, tôi học chuyên Sử với niềm hăng hái và say mê, không mảy may nghĩ đến ra trường làm gì. Rồi tôi học ĐH Sư phạm Hà Nội, khoa Lịch sử (lúc đó điểm tuyển đứng đầu trong số những ngành khối C). Tôi ước mơ ra trường làm một cô giáo giảng dạy môn Lịch sử.
Nhưng thực tế sau thời gian dài chật vật với cả đống hồ sơ, tôi xin vào dạy hợp đồng một trường công lập ở ngoại thành Hà Nội với tiền công 11.000 đồng/ tiết. Thời điểm ấy là năm 2010, để sống, tôi phải đi làm gia sư cho các em nhỏ cấp 1, cấp 2, vì cấp 3 chẳng ai học thêm môn Lịch sử cả. Dù rất yêu nghề, nhưng tôi vẫn phải bứt ra vì chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Dù vậy, điều quan trọng là lối tư duy Lịch sử đã ngấm vào máu của tôi, khả năng tư duy khối C là nền tảng để tôi thích ứng với nhiều công việc khác nhau. Không phải ai cũng học giỏi được khối C, nhất là môn Lịch sử. Nhưng những người giỏi, chẳng ai dại gì chọn khối C, nhất là môn Lịch sử.
Báo động đỏ về ngành học KHXH là cấp bách. Điều mà cả hệ thống phải chung tay chứ không đổ lỗi cho một khâu nào, định kiến của xã hội, chương trình học, người dạy, nhu cầu phát triển của đất nước... và quan trọng nhất là bản thân mỗi người học trước hoàn cảnh thực tế có lựa chọn đúng đắn.
Chị Phạm Minh Huệ (Thủ khoa ĐH Văn hóa Hà Nội): Nên thay đổi chương trình học
Tôi hơi buồn khi nhiều bạn không mặn mà với khối C, nhiều bạn chọn khối C chỉ như một sự "cứu cánh" cho con đường vào ĐH. Riêng tôi đến với khối C, rồi chọn khoa Thư viện - Thông tin (ĐH Văn hóa) bởi từ nhỏ tôi rất yêu môn Địa lý. Vào ĐH tôi cũng học say mê với tâm niệm sẽ góp sức quảng bá văn hóa đọc đến mọi người. Nhưng nói thật, dù tốt nghiệp thủ khoa, ra trường tôi cũng lo về việc làm. Bởi thực tế việc làm dành cho ngành xã hội không nhiều. Nhưng tôi tin, khi Nhà nước đã có chủ trương đào tạo, nghĩa là sẽ có nơi cần đến. Và tin rằng ngành xã hội nói chung và văn hóa nói riêng là quan trọng.
Dù vậy, để những sinh viên tốt nghiệp các ngành KHXH&NV chúng tôi có thể thích ứng được với cuộc sống, các trường cũng nên thay đổi chương trình học, nên đưa vào những ứng dụng mới, cập nhật thông tin thời sự hơn. Bởi học trong trường dạy một đằng, thực tế tại các cơ sở làm việc lại một nẻo, dễ nảy sinh tâm lý chán nản.